TRƯỜNG ĐẠI HỌC SAO ĐỎ - CƠ SỞ GIÁO DỤC ĐẠI HỌC THEO ĐỊNH HƯỚNG ỨNG DỤNG

CHẤT LƯỢNG TOÀN DIỆN - HỢP TÁC SÂU RỘNG - PHÁT TRIỂN BỀN VỮNG

Thứ năm - 03/03/2016 10:35
  •  

Kỹ năng học trên lớp hiệu quả của sinh viên trong đào tạo theo hệ thống tín chỉ

Học trên lớp là một khâu quan trọng trong quá trình học tập của sinh viên. Đặc biệt đào tạo theo hệ thống tín chỉ hiện nay, thời gian để sinh viên lên lớp nghe giảng bài rất ít, trong khi đó khối lượng kiến thức của mỗi môn học ngày càng tăng. Vậy “Làm thế nào để học trên lớp hiệu quả?” đang là một câu hỏi bức thiết.
Ảnh có tính chất minh họa

Ảnh có tính chất minh họa


           Làm thế nào để học trên lớp hiệu quả? Là một câu hỏi bức thiết với rất nhiều sinh viên khi còn đang ngồi trên giảng đường đại học và cao đẳng. Vì đã có nhiều bạn sinh viên đi học rất đây đủ, đến lớp chăm chú nghe giảng và ghi chép bài đầy đủ, nhưng đến cuối kỳ điểm thi cũng không đạt được kết quả như mong muốn, thậm chí thi xong cũng quên phần lớn kiến thức của môn học.
            Tiếp cận vấn đề này theo quan điểm hệ thống, các nhà quản lý giáo dục cho rằng, phần lớn sinh viên chưa biết cách đặt việc học tập trên lớp trong quá trình học tập, quá trình này bao gồm: Chuẩn bị trước khi lên lớp, lên lớp và sau khi lên lớp. Về mặt kỹ năng quá trình này gói gọn trong 4 từ đó là: Đọc, nghe, nói và viết.
            1. Đọc
            Kỹ năng đọc là một kỹ năng quan trọng không thể thiếu trong quá trình học tập của sinh viên. Để chuẩn bị trước cho buổi học sinh viên cần đọc các nội dung có liên quan đến bài giảng sắp tới của giáo viên, để đọc có hiệu quả sinh viên cần lưu ý:
            Xác định mục đích đọc rõ ràng: Để tránh đọc tràn lan tốn công sức và thời gian, để có cách đọc phù hợp cần phải xác định mục đích đọc rõ ràng, đồng thời giúp cho người học chủ động tìm kiếm thông tin, vì khi nhận thấy việc đọc nội dung này là cần thiết thì việc trả lời cho câu hỏi “Đọc như thế nào?” sẽ trở lên dễ dàng hơn.
            Tích cực tư duy khi đọc: Là khi đọc luôn hình dung những ý tưởng trong sách thành những biểu tượng, hình ảnh rồi đối chiếu, so sánh chúng với nhau và với những hiểu biết đã có. Qua đó, nắm được cái chủ yếu, cái thứ yếu, cái bản chất và các không bản chất từ đó rút ra kinh nghiệm, kết luận và hiểu biết cho bản thân.
            Tập trung chú ý khi đọc: Là sự nỗ lực toàn bộ tâm trí một cách liên tục vào việc đọc nhằm suy nghĩ một cách thấu đáo, tư duy tích cực và ghi nhớ nhanh vấn đề. Để tập trung khi đọc cần không suy nghĩ tản mạn, không để ý tới những chi tiết vụn vặt, không để ảnh hưởng từ những tác động bên ngoài. Phải suy nghĩ, ghi lại hoặc đánh dấu những điều khó hiểu để đến lớp đặt câu hỏi nhờ thầy cô giáo giải đáp.
 
           2. Nghe
           “Nghe giảng” là một khái niệm rất quen thuộc với các bạn từ lúc bước chân đến trường. Với sinh viên nghe giảng được coi là một công việc nhẹ nhàng nhất trong mỗi giờ học, khi đó giảng viên phải làm việc còn sinh viên chỉ cần nghe. Tuy nhiên, sẽ có rất nhiều bạn nghe thầy cô giảng nhưng không hiểu bài, không nắm bắt được thông tin bài học dẫn tới việc học tập kém hiệu quả. Để có một giờ học chất lượng thì người nghe phải đồng cảm với những  thông tin của người nói, phản xạ kịp thời những thông tin mà người nói đưa ra khi đó mới là “nghe” thực sự. Để làm được điều này sinh viên cần:
           Nỗ lực và tập trungNỗ lực và tập trung thể hiện thái độ và trách nhiệm của bạn với bài học. Khi có một nguyên nhân nào đó khiến bạn mất tập trung, hãy nỗ lực dừng những suy nghĩ ngoài luồng đó lại và kéo sự chú ý của bản thân vào bài học trở lại một cách nhanh nhất có thể. Việc tập trung sẽ giúp bạn giải quyết những vấn đề của bài học nhanh chóng hơn rất nhiều.
           Kiểm soát cảm xúc bản thân: Hãy gạt những suy nghĩ vu vơ ra khỏi đầu, đừng để những cảm xúc vui buồn bất chợt chi phối sự tập trung của bạn. Kiểm soát cảm xúc giúp bạn có thái độ hợp tác trong quá trình nghe giảng, kiểm soát được những phản hồi của bản thân đến giáo viên và những bạn học khác.
           Nhìn vào người nói: Vì sao phải nhìn vào người nói? Các bạn có thể nghĩ là mình không nhìn mà vẫn nghe tốt thì có trở ngại gì đâu? Tuy nhiên, kinh nghiệm cho thấy khi nhìn vào thầy cô đang giảng bài, bạn sẽ nắm bắt được những diễn biến tâm lý tình cảm của thầy cô theo nội dung bài giảng, đó là cách lôi kéo sự tập trung chú ý của bạn.
           Chắt lọc thông tin: Trong bài giảng của giáo viên sẽ có những nội dung: dẫn dắt vào bài, chuyển ý, các liên từ nối … Vì thế sinh viên cần chắt lọc thông tin để lấy được trọng tâm của bài giảng, đặc biệt là những nội dung giáo viên lặp lại. Phần này sẽ trở lên đơn giản nếu như sinh viên thực hiện tốt ở phần “Đọc”.
           Tư duy khi nghe: Khi nghe giảng sinh viên phải luôn luôn phải so sánh kiến thức đang học với kiến thức đã có, đồng thời phải biết hoài nghi với những nội dung giáo viên đang giảng. Khi giáo viên giảng thuyết phục được vấn đề sinh viên đang hoài nghi, khi đó sinh viên đã hiểu bài.
           Hỏi để hiểu rõ vấn đề: Ông bà mình có câu: “Muốn biết phải hỏi, muốn giỏi phải học”. Các bạn đừng ngần ngại hỏi thầy cô giáo khi mình gặp phải những vấn đề không hiểu lúc nghe giảng. Thầy cô giáo rất sẵn sàng lắng nghe và giúp bạn giải quyết vấn đề của mình. Đừng ngần ngại khi đặt câu hỏi!
 
           3. Nói  (Phát biểu)
           “Nói” được xếp vào hình thức học qua trải nghiệm. “Nói” giúp sinh viên củng cố lại thông tin thu nhận và giúp giáo viên biết được sinh viên của mình đã tiếp nhận được những thông tin của bài học ở mức nào, từ đó có điều chỉnh bài giảng phù hợp làm tăng hiệu quả học tập của sinh viên.
Để có thể “nói” tốt, sinh viên nên vạch ra nhanh sơ đồ diễn giải ý đồ của mình trên giấy, điều này giúp sinh viên giúp sinh viên có thể diễn đạt vấn đế một cách cô đọng và mạch lạc. Trong khi nói cũng cần phải biết lắng nghe những ý kiến phản biện để có được tri thức vững chắc và hoàn thiện hơn.
           4. Viết
           Biết cách ghi chép bài sẽ giúp sinh viên vừa ghi nhận lại thật tốt những kiên thức giáo viên cung cấp, vừa giúp cho các kiến thức ấy "đi thẳng vào đầu" sinh viên một cách nhanh chóng, hiệu quả hơn. Để có được khả năng “viết” tốt, sinh viên cần:
Đi học đầy đủ, nếu bạn bỏ một buổi học thì bạn có thể tự cho phép mình nghỉ những buổi học tiếp theo. Và tất nhiên là bạn sẽ không thể ghi chép bài nếu không đến lớp.
           Không cần ghi lại tất cả mọi thứ giáo viên nói. Trước hết điều đó là không thể và không cần thiết. Thứ hai là không phải mọi thứ đều quan trọng như nhau. Hãy cố gắng lắng nghe và chỉ ghi lại những điểm chính. Nếu bạn chỉ chăm chú vào việc viết thật nhanh, thì bạn không thể nghe giảng một cách sáng suốt, tỉnh táo và luôn động não chứ đừng chỉ ghi chép như một cái máy.
           Chuẩn bị giấy nhớ để ghi chép thêm thông tin giáo viên đưa ra và dán ngay vào nội dung tương ứng trên giáo trình.
           Kết luận
           Học trên lớp là một khâu rất quan trọng không thể thiếu trong quá trình học tập của sinh viên. Hoạt động này giúp sinh viên củng cố, hệ thống hóa kiến thức và phát triển tư duy nâng cao khả năng vận dụng kiến thức trong học tập.
Để nâng cao hiểu quả học trên lớp sinh viên cần có sự phối hợp linh hoạt bốn kỹ năng Đọc, nghe, nói và viết các kỹ năng này có quan hệ mật thiết và bổ trợ cho nhau trong quá trình học trên lớp của sinh viên, Học trên lớp hiệu quả sẽ giúp ích cho việc tiếp thu kiến thức của sinh viên trên lớp mà còn giúp sinh viên rất nhiều trong quá trình học tập và tiếp thu tri thức của sinh viên.

Tác giả bài viết: Phó trưởng khoa ĐTTH - Ths. Nguyễn Đức Thảo

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây