TRƯỜNG ĐẠI HỌC SAO ĐỎ - CƠ SỞ GIÁO DỤC ĐẠI HỌC THEO ĐỊNH HƯỚNG ỨNG DỤNG

CHẤT LƯỢNG TOÀN DIỆN - HỢP TÁC SÂU RỘNG - PHÁT TRIỂN BỀN VỮNG

Thứ tư - 17/05/2017 22:23
  •  

Tâm bất biến trong dòng đời vạn biến

Trong cuộc sống hiện tại, đôi khi chúng ta cảm thấy không chắc chắn về những gì đã lựa chọn, tự hỏi: “Liệu mình làm vậy có đúng không?”, mình có làm sai ở đâu không? Tại sao người ta làm dễ dàng vậy còn mình thì không? Tại sao thất bại cứ mãi đeo bám mình vậy? Mình đã sai ở đâu?...
Chắc chắn rằng, rất nhiều người có những băn khoăn như vậy. Vậy làm sao để không cảm thấy nuối tiếc hay hối hận với gì đã làm, đã lựa chọn? Làm thế nào để chỉ hối tiếc về việc mình không làm mà không phải hối tiệc việc mình đã làm và lựa chọn?
Khi phải quyết định giữa làm hay không làm, tôi thường đặt cho mình 2 giả định: Nếu thực hiện, sự việc sẽ đi đến đâu? Nếu không, sau này có thấy nuối tiếc? Thực sự việc có quan trọng không? Làm hay không có ảnh hưởng tương lai hay ảnh hưởng tới bản thân, tới người khác hay không? Sau khi tự đặt cho mình một loạt các câu hỏi, tự trả lời, có thể tham khảo thêm ý kiến người khác, tôi sẽ quyết định và một khi đã quyết định rồi sẽ không hối hận. Hiện nay, có một thực tế là một số người phạm lỗi nhưng không dám nhận, tìm cách lấp liếm, khi làm vậy, chỉ có thể đối phó tạm thời, bạn sẽ luôn trong tình trạng lo lắng sự việc bị phát giác hay có ngày bị bung bét, liệu vậy có đáng không? Hãy dũng cảm đón nhận hậu quả của việc mình đã làm. Có vậy cuộc sống của bạn sẽ dễ dàng hơn, người khác cũng sẽ không coi thường bạn được.
Ngoài ra, bạn cũng cần đặt ra một số quy tắc trong cuộc sống của mình như:
  1. Luôn đặt mục tiêu rõ ràng cho từng công việc của mình, càng chi tiết, cụ thể càng tốt, bạn nên kèm theo mốc thời gian và đánh giá kết quả đạt được.
  2. Xác định cách thực hiện cũng như thành quả đạt được trước khi tiến hành một công việc cụ thể sẽ giúp bạn có thêm động lực, sự cố gắng để thành công. Theo một số tài liệu, bạn nên tưởng tượng từ 3 -5 lần /ngày trước khi hoàn thành sẽ giúp não bộ nhìn nhận sự việc tích cực hơn.
  3. Xác định đối thủ cạnh tranh, đối thủ của mình, xác định vị trí của mình so với họ. Khi học hay làm việc, hãy tự chọn cho mình một đối thủ để cạnh tranh (tất nhiên là cạnh tranh lành mạnh nhé), khi thua kém, bạn sẽ có thêm động lực để cố gắng hơn, khi bằng, bạn sẽ thấy rằng mình có khả năng, mình có làm được nhiều hơn những gì bản thân tưởng tượng. Cứ như vậy, bạn sẽ dần tiến bộ hơn nhiều.
  4. Khi gặp khó khăn, những thất bại, bạn đừng vội nhụt trí, bởi không phải ai cũng có thể hoàn thành tốt tất cả công việc, đôi khi thành công không đến nhanh và dễ dàng. Có thể với người khác là kết thúc nhưng với ta mới là bắt đầu, cuộc sống luôn đầy rẫy những bất ngờ, không thử sao biết, đúng không?
Hi vọng với những quy tắc trên, sẽ giúp bạn vạch rõ mục tiêu của mình, giúp bạn theo đuổi ước mơ và giúp bạn luôn vững vàng trong cuộc sống đầy cám dỗ.

Tác giả bài viết: GV. Hoàng Thị An

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây