Mấy năm qua, do tình hình dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp đã khiến hầu hết các lĩnh vực kinh doanh bị ảnh hưởng tiêu cực, sản xuất đình trệ, đứt gãy chuỗi cung ứng, giá cước vận tải tăng cao… Trong bối cảnh đó, ngành Công nghệ thông tin vẫn nổi lên như một điểm sáng của nền kinh tế trong mùa dịch với khả năng linh hoạt trong công việc. Nhiều doanh nghiệp trong ngành đã nhanh nhạy nắm bắt để vươn lên và phát triển bền vững. Điều này cũng dễ hiểu vì trong thời gian dịch bệnh, xu hướng làm việc từ xa, xử dụng các ứng dụng trên các thiết bị thông minh trong mọi lĩnh vực của cuộc sống, trong đó có cả lĩnh vực phòng chống dịch bệnh đã trở thành xu hướng để thích ứng với điều kiện mới.
Cách mạng công nghiệp 4.0 đã tạo ra nhiều đột phá về công nghệ mới trong các lĩnh vực như sản xuất dựa trên trí tuệ nhân tạo, chế tạo robot, phát triển mạng internet, công nghệ in 3D, công nghệ nano, công nghệ sinh học, khoa học về vật liệu, tin học… Từ đó hình thành các ngành nghề mới, đặc biệt là các ngành nghề có sự liên quan đến Công nghệ thông tin, liên quan đến sự tương tác giữa con người với máy móc. Đồng thời, việc phổ biến robot và công nghệ máy tính sẽ làm giảm khoảng 610.000 công việc lắp ráp và sản xuất thủ công, nhưng sẽ có 960.000 công việc bổ sung. Các lĩnh vực công nghệ thông tin, phân tích, nghiên cứu và phát triển đòi hỏi thêm 210.000 nhân sự có tay nghề cao... tất cả đều là những nguồn cung cấp cơ hội việc làm mới. Theo TopDev, thị trường nhân lực Việt Nam trong 5 năm trở lại đây, nhu cầu nhân lực Công nghệ thông tin không ngừng tăng cao, số lao động này hiện nay còn khan hiếm và sẽ không được lấp đầy trong tương lai gần.
Với xu thế chuyển đổi số ở các doanh nghiệp dẫn đến nguồn nhân lực để làm các công việc chuyển đổi số cần rất lớn, sự thiếu hụt cơ bản là do nhu cầu của thị trường. Sự phát triển của ngành Công nghệ thông tin cũng như sự biến động của thị trường luôn đòi hỏi người làm công nghệ phải học hỏi liên tục, phát triển các kỹ năng toàn diện cũng như khả năng thích ứng nhanh với mọi biến đổi. Đặc biệt nhân sự công nghệ chất lượng cao là đối tượng săn đón của tất cả các công ty, tập đoàn lớn trên thế giới, chứ không phải chỉ riêng Việt Nam. Bên cạnh đó, các xu hướng như chuyển đổi số, dữ liệu lớn (Big Data), điện toán đám mây và internet vạn vật không chỉ mang lại cho nhân sự Công nghệ thông tin cơ hội việc làm đa dạng tại các doanh nghiệp Việt Nam mà còn mở ra khả năng làm việc từ xa cho các công ty và dự án từ nước ngoài.
Có thể nói, hiện hầu hết các lĩnh vực của nền kinh tế - xã hội đều có nhu cầu ngày càng cao về lao động ngành công nghệ thông tin. Cơ hội việc làm cho ngành công nghệ thông tin hiện nay là rất lớn. Các doanh nghiệp liên quan trong lĩnh vực công nghệ thông tin đều đang rất cần nhân lực. Đặc biệt trong xu thế chuyển đổi số, các đơn vị, tổ chức đều phải đầu tư vào nền tảng công nghệ số khiến ngành công nghệ thông tin có nhu cầu tuyển dụng tăng cao. Do vậy, trong tương lai gần nhu cầu nhân lực ngành công nghệ thông tin chưa có dấu hiệu "giảm nhiệt".