Ngày 21/4 - ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam đang tới dần, đây là thời điểm các hoạt động tuyên truyền, vận động người dân nâng cao tinh thần đọc sách được diễn ra sôi nổi. Vậy chúng ta cùng tìm hiểu nguồn gốc và ý nghĩa của ngày này qua bài viết dưới đây nhé.
Lịch sử Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam
Sách là một kho tàng kiến thức vô giá của nhân loại, là giá trị tinh thần vô cùng quan trọng trong đời sống của con người, là kho tàng tri thức vô tận và là ánh sáng dẫn bước đi đến tương lai. Văn hóa đọc là một trong những truyền thống quý báu cần được phát huy để có thể phát triển bền vững. Tuy nhiên văn hóa đọc sách ngày càng mai một ở thế hệ trẻ. Nhận thấy tầm quan trọng và nhằm khuyến khích tinh thần đọc sách và nâng cao tầm nhận thức của người dân về tầm quan trọng của việc đọc sách, ngày 24/2/2014, Thủ tướng Chính Phủ đã ký quyết định lấy ngày 21/4 hằng năm là ngày Sách Việt Nam. Việc làm này có ý nghĩa to lớn giúp nhân dân có thể phát huy được toàn vẹn tri thức, kỹ năng và vẫn giữ được bản sắc hiếu học từ bao đời của dân ta. Bên cạnh đó, để đưa văn hóa đọc phát triển lên tầm cao mới, ngày 04/11/2021 Thủ tướng Chính phủ đã có quyết định về việc tổ chức Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam thay thế cho Ngày Sách Việt Nam trước đây và vẫn được diễn ra vào ngày 21/4 hằng năm.
Sinh viên khoa CNTT đọc sách, nghiên cứu tài liệu tại Không gian sáng tạo của Khoa
Ý nghĩa Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam
Ngày Sách Việt Nam 21/4 mang ý nghĩa vô cùng quan trọng. Đây không chỉ là một sự kiện văn hóa giúp nâng cao tinh thần năng đọc sách của người dân, mà còn góp phần vào việc xây dựng một nền văn hóa Việt Nam tiến tiến theo từng ngày, nhưng vẫn giữ được nét đẹp dân tộc. Bên cạnh đó, ngày 21/4 còn là ngày kỷ niệm sự ra đời của cuốn sách “Đường Kách mệnh" - tác phẩm kinh điển của Chủ tịch Hồ Chí Minh và là quyển sách lần đầu tiên được in bởi những thợ in người Việt Nam.