Gắn bó gần chục năm với nghề giáo, cảm xúc về ngày 20/11 trong tôi vẫn luôn tràn đầy! Ngày còn mới vào nghề, cô giáo trẻ còn nhiều bỡ ngỡ, chưa có kinh nghiệm nhiều, áp lực về việc có thể truyền tải hết kiến thức tới học trò. Giờ đây, khi mà kinh nghiệm nghề nghiệp đã nhiều, những yêu cầu, kỹ năng cơ bản yêu cầu sinh viên đáp ứng được yêu cầu thực tế ngày cũng nhiều hơn, tôi luôn tự hỏi mình đã truyền tải, đã giúp các em có hành trang vào đời chưa?
Một số người quan niệm rằng: Làm giáo viên thật nhàn, đi dạy cũng thật nhàn, chỉ cần cầm quyển sách đọc dăm ba câu, yêu cầu học trò trả lời, làm bài tập về nhà là xong. Nhưng thực sự phải là người trong nghề mới hiểu hết được những tâm tư, nỗi vất vả của người thầy, người cô với sự nghiệp trồng cây, trồng người.
Một số hình ảnh của giảng viên Khoa Công nghệ thông tin
Đối với giáo viên mầm non, các cô phải chăm chút cho các con từng bữa ăn, giấc ngủ, hướng dẫn các con vào nề nếp và học nhận biết mọi thứ xung quanh. Đối với giáo viên tiểu học, nhất là các thầy cô dạy lớp 1, cần phải uốn nắn các con học tập nghiêm túc, bắt đầu sự nghiệp học hành của các con. Rồi các con lớn lên, giáo viên THCS, THPT ngoài dạy kiến thức trên trường, các thầy cô ngoài dạy còn dỗ, chỉ bảo các con đương đầu với cuộc sống đầy những cạm bẫy, khó khăn. Vậy ở mức độ cao hơn nữa, khi các con không còn là các cô cậu học trò chưa đủ quyền công dân, là giảng viên, các thầy cô thế nào?
Tuy không còn là cô cậu học trò bé nhỏ như trước nữa, nhưng khi là sinh viên, đa số các em bắt đầu cuộc sống xa gia đình, tự quyết mọi việc xảy ra với bản thân, việc học như thế nào, tích lũy kiến thức ra sao cũng chính các em sẽ nhận được kết quả khi ra trường. Trong quá trình học tập, đặc biệt học tập tại mái trường Đại học Sao Đỏ thân yêu, ngoài việc học tập về kiến thức, kỹ năng nghề nghiệp, khoa và trường còn tổ chức cho các em các hoạt động ngoại khóa, các lớp học kỹ năng mềm, giúp các em hành trang khi bước vào cuộc sống đầy những khắc nghiệt. Mỗi giảng viên ngoài giảng dạy còn phải luôn cập nhật kiến thức mới, tăng cường công tác nghiên cứu khoa học để tạo ra những sản phẩm có thể chuyển giao công nghệ, những sản phẩm đáp ứng được yêu cầu thực tế.
Giảng dạy cũng gần chục năm, cũng qua nhiều lớp học trò, tôi vẫn thấy ở các em tuổi trẻ, sự nhiệt huyết. Có lẽ vì giảng dạy các em, nghe các em tâm sự chuyện bạn bè, gia đình rồi thấy các em hỏi những câu hỏi ngô nghê, thấy các em đùa nhau mà nhiều khi tôi quên mất tuổi của mình, cứ ngỡ như mình cũng là sinh viên, cũng vẫn tuổi đôi mươi thôi, chứ chưa “băm” như thực tại.
Mỗi người thầy, khi đứng trên bục giảng đều thực tâm mong muốn những kiến thức của mình, những hiểu biết của mình có thể truyền tải tới sinh viên, giúp các em có những hiểu biết cơ bản để có thể khi ra môi trường làm việc thực tế, các em có thể đáp ứng được yêu cầu khắt khe của các nhà tuyển dụng.
Mỗi người thầy, không mong muốn gì hơn là học trò của mình thành đạt, gặp lại trò, thầy trò tay bắt mặt mừng, nghe các em kể về sự thành công của bản thân trong công việc, không gì vui hơn ngoài điều đó. Thấy các em thành đạt, tôi như thấy sự thành công của chính mình.
Đôi lúc trong quá trình giảng dạy, cô thầy có trách mắng, có đôi lúc các em không vui và thấy thầy cô có phần nghiêm khắc, nhưng như các em biết đấy “có con mới biết lòng cha mẹ”, thầy cô cũng chỉ mong “những đứa con tinh thần” của mình hiểu hết những gì mình đang muốn truyền đạt, để sau này khi đi làm, có thể tự tin với sếp, với đồng nghiệp về kiến thức, kỹ năng của mình.
Sắp đến ngày 20/11, không mong gì hơn, là một giảng viên, tôi cũng như các thầy cô khác đều mong sự nghiệp giáo dục của mình ngày càng phát triển và để được điều ấy, không thể không kể tới các em sinh viên thân yêu. Cảm ơn các em đã tin tưởng và chọn trường Đại học Sao Đỏ, chọn khoa Công nghệ thông tin, chọn các thầy cô là người dẫn đường, là người chắp cánh ước mơ cho các em bay vào không gian! Chúc các thầy cô, các em sinh viên có sức khỏe, có thêm niềm tin vào bản thân mình, vào sự nghiệp giáo dục của Nhà trường.