TRƯỜNG ĐẠI HỌC SAO ĐỎ - CƠ SỞ GIÁO DỤC ĐẠI HỌC THEO ĐỊNH HƯỚNG ỨNG DỤNG

CHẤT LƯỢNG TOÀN DIỆN - HỢP TÁC SÂU RỘNG - PHÁT TRIỂN BỀN VỮNG

Thứ năm - 03/03/2016 09:56
  •  

Giao tiếp – Những kỹ năng cơ bản

Kỹ năng trong giao tiếp là gì? Có thể hiểu đơn giản: kỹ năng giao tiếp là các kỹ năng được hình thành trong quá trình hoạt động xác lập, vận hành các mối quan hệ giữa con người với con người nhằm thỏa mãn những nhu cầu nhất định.
Ảnh: Nguồn Internet

Ảnh: Nguồn Internet

Giao tiếp là một kỹ năng không thể thiếu trong cuộc sống hàng ngày. Quá trình giao tiếp nhằm truyền tải được những thông điệp của tổ chức hoặc cá nhân này đến tổ chức hoặc cá nhân khác. Đây là quá trình liên quan đến cả bên gửi và bên nhận thông điệp. Với cá nhân mỗi người, việc truyền đạt được thông điệp của mình  một cách thành công, tức bạn đã truyền đi được suy nghĩ cũng như ý tưởng của mình một cách hiệu quả.

Trong một cuộc điều tra mới đây về những thành viên mới của một công ty với hơn 50000 nhân viên, người ta đã cho rằng kỹ năng giao tiếp là yếu tố mang tính quyết định trong việc tuyển chọn một người quản lý. Cuộc điều tra do trường Đại học Thương mại Pittsburgh cũng đã chỉ ra rằng các kỹ năng giao tiếp bao gồm cả việc trình bày nói và viết cũng như khả năng làm việc với người khác là những yếu tố chính tạo nên thành công trong nghề nghiệp.

Mặc dù càng ngày người ta càng nhận thức rõ hơn về tầm quan trọng của các kỹ năng giao tiếp, nhiều cá nhân vẫn gặp khó khăn trong quá trình giao tiếp, họ không thể trao đổi những suy nghĩ và ý tưởng của họ một cách hiệu quả - cả ở dạng nói hay viết. Thật đáng tiếc là trong số đó có không ít các bạn sinh viên vừa tốt nghiệp Đại học hoặc Cao đẳng.  Sự hạn chế này khiến họ gần như không thể thể hiện được hết khả năng của mình trong công việc cũng như không tiến thân được. Truyền đạt được thông điệp của mình là yếu tố tối quan trọng để phát triển.

Vậy kỹ năng trong giao tiếp là gì?  Có thể hiểu đơn giản: kỹ năng giao tiếp là các kỹ năng được hình thành trong quá trình  hoạt động xác lập, vận hành các mối quan hệ giữa con người với con người nhằm thỏa mãn những nhu cầu nhất định. Nó bao gồm: kỹ năng lắng nghe, kỹ năng đặt câu hỏi, kỹ năng thuyết trình, kỹ năng thuyết phục, kỹ năng đàm phán…
 
Lắng nghe là một kỹ năng quan trọng trong giao tiếp. Theo Paul Tory Rankin (1930), trong giao tiếp bằng ngôn ngữ, con người dùng 42,1% tổng số thời gian cho việc nghe, 31,9% cho việc nói, 15% cho việc đọc và 11% cho việc viết. Như vậy, trong giao tiếp bằng ngôn ngữ, lắng nghe chiếm gần nửa tổng số thời gian. Trong thực tế giao tiếp, những người từng trải, người khôn ngoan thường là những người nói ít, nghe nhiều, họ chỉ lên tiếng khi thật sự cần thiết.

Đặt câu hỏi có vị trí rất quan trọng trong giao tiếp, đặc biệt là giao tiếp trực tiếp. Có nhiều loại câu hỏi, tùy theo mục đích và tình huống giao tiếp mà lựa chọn câu hỏi cho phù hợp. Đặt câu hỏi đúng cách là trọng tâm của việc giao tiếp và trao đổi thông tin hiệu quả. Bằng cách sử dụng trong những hoàn cảnh khác nhau, bạn có thể nâng cao kỹ năng giao tiếp của mình. Đặt câu hỏi một cách khéo léo sẽ giúp bạn giữ nhịp được cuộc nói chuyện, thu hút được sự chú ý của người nghe, khẳng định vấn đề một cách khéo léo, nhờ cậy cầu khiến mà người nghe vẫn vui vẻ hải lòng...

Thuyết phục là đưa ra tình tiết, sự kiện, phân tích, giải thích làm cho người khác thấy đúng, thấy hay mà tin theo, làm theo. Trong quá trình giao tiếp, để giải quyết tốt một công việc nào đó, chúng ta thường cần sự hợp tác của người khác. Tuy nhiên trên thực tế, chúng ta thường gặp trường hợp trong đó người khác không cùng chung ý kiến, quan điểm với chúng ta. Trong trường hợp này, việc chúng ta có đạt được mục đích hay không phụ thuộc vào khả năng thuyết phục của chính mình.

Thuyết trình hay còn gọi là diễn thuyết, là nói chuyện trước nhiều người về một vấn đề nào đó một cách có hệ thống. Điều mấu chốt của một bài thuyết trình là bạn phải biết “Mình sẽ nói về vấn đề gì và sẽ nói vấn đề đó như thế nào”. Hiệu quả của một bài nói chuyện được đánh giá thông qua người nghe: người nghe có hiểu ý tưởng bạn muốn trình bày và làm theo những gì bạn nói hay không?

Thương lượng là quá trình các bên cùng trao đổi, bàn bạc với nhau để đưa ra một giải pháp chung thống nhất cho một vấn đề nào đó. Trong cuộc sống, dù muốn hay không, ít hay nhiều, bạn cũng phải tham gia vào những cuộc thương lượng. Từ những chuyện nhỏ như  mặc cả với người bán hàng khi đi mua sắm, hay thỏa thuận với đồng nghiệp về công việc hàng ngày, cho đến vấn đề hệ trọng hơn như trao đổi với đối tác về điều kiện của hợp đồng, hay cả những vấn đề mang tính toàn cầu như các nước đàm phán để đi đến hiệp định cấm phổ biến vũ khí hạt nhân… tất cả đều là thương lượng.

Như vậy, những kỹ năng cơ bản trong giao tiếp được hình thành ngay từ những vấn đề tưởng như rất bình thường trong cuộc sống. Thay vì sai khiến, hãy dùng một lời nói nhỏ nhẹ đi kèm một nụ cười. Thay vì cằn nhằn vì không hài lòng trong công việc, hãy biết lắng nghe để hiểu sự việc. Tập suy nghĩ trước khi nói để không nói những điều vô nghĩa. Thay vì lúng túng, trình bày không rõ ràng, hãy nói to rõ những kế hoạch, những dự định của mình để chứng tỏ sự tự tin ở bản thân…tất cả những điều rất bình thường ấy sẽ giúp bạn trở thành người giao tiếp giỏi và sẽ là nhịp cầu thăng tiến trong cuộc sống và sự nghiệp của bạn.

Tác giả bài viết: Trưởng khoa ĐTTH - Ths. Dương Đức Hải

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây