TRƯỜNG ĐẠI HỌC SAO ĐỎ - CƠ SỞ GIÁO DỤC ĐẠI HỌC THEO ĐỊNH HƯỚNG ỨNG DỤNG

CHẤT LƯỢNG TOÀN DIỆN - HỢP TÁC SÂU RỘNG - PHÁT TRIỂN BỀN VỮNG

Thứ ba - 14/02/2023 16:00
  •  

Chuẩn đầu ra Công nghệ thông tin đối với sinh viên các Trường Đại học

Hiện nay, đổi mới phương pháp giáo dục và tăng cường khả năng hội nhập quốc tế cho học viên, sinh viên đã trở thành mục tiêu quan trọng trong đào tạo. Đối với các cơ sở đào tạo nguồn nhân lực thì mục tiêu này càng có vai trò trọng yếu. Để tham gia thị trường lao động, ngoài yêu cầu chuyên môn, sinh viên cần phải đáp ứng được yêu cầu về Ngoại ngữ và Tin học.
Chuẩn đầu ra Công nghệ thông tin đối với sinh viên các Trường Đại học
          Đến thời điểm hiện tại chứng chỉ Tin học A, B, C có thể nói là đã "lỗi thời" với nhiều bất cập không đáp ứng được yêu cầu cơ bản của nguồn nhân lực trong thời kỳ hội nhập quốc tế. Chính vì vậy, Thông tư 03/2014/TT-BTTTT của Bộ Thông tin và Truyền thông đưa ra đã Quy định Chuẩn kỹ năng sử dụng công nghệ thông tin gồm 2 mức là kỹ năng cơ bản và kỹ năng nâng cao. Bên cạnh đó, Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành Thông tư 07/2015/TT-BGDĐT ngày 16/4/2015 về ban hành Quy định về khối lựợng kiến thức tối thiểu, yêu cầu về năng lực mà người học đạt được sau khi tốt nghiệp đối với mỗi trình độ đào tạo của giáo dục Đại học trong đó Điều 5 quy định “Ngoài các yêu cầu chung về đạo đức nghề nghiệp, thái độ tuân thủ các nguyên tắc an toàn nghề nghiệp, trình độ lý luận chính trị, kiến thức quốc phòng - an ninh theo quy định hiện hành và đạt chuẩn kỹ năng sử dụng công nghệ thông tin cơ bản theo quy định hiện hành về Chuẩn kỹ năng sử dụng công nghệ thông tin do Bộ Thông tin và Truyền thông ban hành”. Như vậy, chuẩn công nghệ thông tin cơ bản theo Thông tư 03/2014/TT-BTTTT có thể nói là bắt buộc đối với sinh viên các trường đại học và cao đẳng trong cả nước.
          Ngày 31/8/2015, công văn số 2819/BTTTT-CNTT của Bộ Thông tin và Truyền thông đã công nhận bài thi tin học văn phòng IC3 và MOS cấp độ Specialist đáp ứng yêu cầu về chuẩn kỹ năng sử dụng CNTT tương ứng là cơ bản (IC3) và nâng cao (MOS cấp độ Specialist). Nội dung các bài thi IC3 bao gồm 03 module:
          Một là, máy tính căn bản: Sinh viên cần nắm được về phần cứng: Hiểu biết cơ bản về các loại máy tính khác nhau; Các thành phần chính cấu thành máy tính và chức năng của chúng, các thiết bị ngoại vi của máy tính hay các thiết bị nhập xuất dữ liệu; Biết cách làm thế nào để duy trì hoạt động ổn định của máy tính, bảo vệ máy tính khỏi sự hỏng hóc và cách giải quyết các vấn đề thông thường liên quan đến phần cứng. Về phần mềm: Hiểu được phần mềm và phần cứng tương tác như thế nào khi chúng làm việc, những nguyên tắc chung của việc xây dựng, nâng cấp và phát triển phần mềm; Nhận biết các loại phần mềm phổ biến khác nhau, cách thức cài đặt, nâng cấp hay xử lý các lỗi thường gặp của phần mềm; Sử dụng các hệ điều hành; Hiểu biết cơ bản như thế nào là một hệ điều hành, cách thức hoạt động, sử dụng và quản lý hệ điều hành như thế nào; Các loại hệ điều hành phổ biến và tính năng của chúng.
          Hai là, phần mềm máy tính: Hiểu biết cơ bản về những ứng dụng thông dụng cũng như cách sử dụng chúng để hoàn thành công việc của mình; Cách khởi động, thoát khỏi một ứng dụng, thay đổi giao diện; Cách thực hiện các chức năng phổ biến về quản lý tập tin, chỉnh sửa và định dạng, in ấn và xuất bản tài liệu; Phần mềm Microsoft Word, Microsoft Excel, Microsoft Powerpoint.
          Ba là, cuộc sống trực tuyến: Mạng và Internet - Hiểu được những nguyên tắc cơ bản của mạng máy tính, những lợi ích và rủi ro khi sử dụng mạng máy tính; Vai trò của máy chủ, máy khách trong một mạng và các nguyên tắc cơ bản của bảo mật thông tin mạng. Thư điện tử - Hiểu được các dạng khác nhau của truyền thông điện tử và cách thức làm việc, sử dụng hiệu quả. Bao gồm hiểu biết cơ bản nhất về các quy tắc của truyền thông trực tuyến, các vấn đề xung quanh truyền thông điện tử (thư rác, lừa đảo trên mạng, virus…). Sử dụng Internet - Tìm hiểu về internet, web và cách sử dụng trình duyệt web; Máy tính sử dụng trong các lĩnh vực khác nhau của cuộc sống, những rủi ro của việc sử dụng phần mềm và phần cứng máy tính; Làm như thế nào để sử dụng máy tính và Internet một cách an toàn, hợp pháp và có đạo đức.
          Có thể khẳng định, trong đào tạo tại các trường đại học, cao đẳng, đặc biệt là các cơ sở đào tạo nguồn nhân lực thì yêu cầu về chuẩn đầu ra công nghệ thông tin đã trở thành thiết yếu bên cạnh yêu cầu về chuyên môn và ngoại ngữ. Từ đó, sinh viên sau khi tốt nghiệp có thể tham gia vào thị trường lao động trong nước và quốc tế.

Tác giả bài viết: ĐTN-CNTT

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây