TRƯỜNG ĐẠI HỌC SAO ĐỎ - CƠ SỞ GIÁO DỤC ĐẠI HỌC THEO ĐỊNH HƯỚNG ỨNG DỤNG

CHẤT LƯỢNG TOÀN DIỆN - HỢP TÁC SÂU RỘNG - PHÁT TRIỂN BỀN VỮNG

Thứ ba - 07/11/2023 09:40
  •  

Nghề giáo mãi mãi là nghề cao quý

Nghề giáo mãi mãi là nghề cao quý
“Lặng xuôi năm tháng êm trôi
Con đò kể chuyện một thời rất xưa
Rằng người chèo chống đón đưa
Mặc cho bụi phấn giữa trưa rơi nhiều”
        Trong cuộc đời của mỗi con người, nếu như cha mẹ là hai đấng sinh thành có công nuôi dưỡng ta từ nhỏ đến lớn thì thầy cô cũng có công không nhỏ. Thầy cô là những người dạy cho ta biết chữ, biết thế nào là lẽ phải trên đời, biết đối nhân xử thế. Đối với những học trò còn ngồi trên ghế nhà trường thì thầy cô chính như những người cha, người mẹ thứ hai của chúng ta.
        Trong cái se lạnh của mùa thu tháng 11, trường tôi trở nên rộn ràng hơn trong không khí chuẩn bị chào đón ngày 20. Ngày mà tất cả các thế hệ học trò cả nước được dịp bày tỏ lòng mình với các thầy, cô giáo, người đã có công dìu dắt, dạy bảo chúng ta nên người. Giúp ta trở thành người có học vấn, có nhân cách tốt đẹp, có năng lực giúp ích cho đời, cho xã hội. Các thầy, cô giáo như những cây thông trên sườn núi, cây quế giữa rừng sâu thầm lặng toả hương dâng hiến trí tuệ, sức lực cho đời.
        Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn đánh giá cao vị trí, vai trò của người thầy – những người mở trí, khai tâm cho con người bằng câu nói: “Nhiệm vụ thầy giáo rất vẻ vang, vì nếu không có thầy giáo thì không có giáo dục… Không có giáo dục thì không nói gì đến kinh tế, văn hóa”. Cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng sinh thời cũng đã nói “nghề dạy học là nghề cao quý nhất trong những nghề cao quý, nghề sáng tạo nhất trong những nghề sáng tạo vì nó đã sáng tạo ra những con người sáng tạo”. Quả thật vậy, nghề dạy học là một nghề vô cùng cao quý, đào tạo nên nguồn nhân lực quyết định tới sự phát triển của đất nước. Không gì có thể sánh bằng công lao vất vả của những người thầy giáo, cô giáo trong sự nghiệp trồng người.
        Tục ngữ, ca dao Việt Nam ta có nhiều câu hay nói về thầy cô: “Kính thầy mới được làm thầy” hay “Muốn con hay chữ phải yêu kính thầy”. Thật vậy, thầy cô là những người đã dìu dắt chúng ta đi trên con đường học vấn. Từ chỗ chưa biết gì, chúng ta dần dần biết chữ, biết đọc, biết viết, biết làm văn, làm toán, biết được những kiến thức phong phú vô tận của nhân loại. Thầy cô đã giúp cho chúng ta có được chìa khóa để mở cửa tri thức của cuộc sống, vun đắp ước mơ cho chúng ta, đưa chúng ta đến đỉnh cao của kiến thức, của một tương lai tươi đẹp sau này.
        Thế hệ này nối tiếp thế hệ kia, thầy cô như những người lái đò cần mẫn chở những người học trò sang sông, gieo mầm tri thức, nâng cánh ước mơ giúp học trò đến được những bến bờ mới lạ. Ngày Nhà giáo Việt Nam được tổ chức hằng năm vào ngày 20 tháng 11 không chỉ là dịp để ngành Giáo dục tôn vinh đội ngũ nhà giáo, để học trò thể hiện lòng thành kính “tôn sư trọng đạo” mà còn là dịp để xã hội tôn kính, tri ân những người đã, đang gắn bó với nghề dạy học. Đây cũng là dịp để các thầy, cô giáo và mọi người nhìn nhận lại thực tế dù cho có nhiều biến đổi nhưng nghề giáo mãi mãi là nghề cao quý, thanh bạch.

Tác giả bài viết: GV. Phạm Tâm

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây