TRƯỜNG ĐẠI HỌC SAO ĐỎ - CƠ SỞ GIÁO DỤC ĐẠI HỌC THEO ĐỊNH HƯỚNG ỨNG DỤNG
CHẤT LƯỢNG TOÀN DIỆN - HỢP TÁC SÂU RỘNG - PHÁT TRIỂN BỀN VỮNG
Tôn sư trọng đạo là truyền thống nhân văn cao cả, ý nghĩa của dân tộc ta, đã trở thành nét đẹp văn hóa bao đời nay của người Việt Nam. Truyền thống này đã được ông cha ta tạo dựng, bồi đắp từ ngàn xưa cho đến nay. Trải qua thời gian, dù xã hội có phát triển và đổi thay thì truyền thống ấy vẫn là một nét đẹp trong văn hóa Việt Nam. Hàng năm, truyền thống đó càng được thắp sáng và khơi dậy trong ngày lễ kỷ niệm nhà giáo Việt Nam 20/11 - ngày mà thầy trò sẽ cùng nhau tri ân, cùng nhau trò chuyện, dù đó là những lời văn, lời thơ vô cùng mộc mạc nhưng xuất phát từ chính tấm lòng của các học trò. Vậy, “tôn sư trọng đạo” là gì?
Tập thể giảng viên khoa Công nghệ thông tin
Lịch sử đã vinh danh những người thầy xuất sắc như: Chu Văn An, Nguyễn Bỉnh Khiêm, Võ Trường Toản, Nguyễn Đình Chiểu, Nguyễn Tất Thành… những người thầy được nhiều thế hệ học trò yêu quý và cả dân tộc kính trọng. Những người thầy đó đã để lại những tấm gương sáng về đạo làm thầy, không màng danh lợi, không chuộng hư vinh, hết lòng đào tạo bao thế hệ học trò, con em nhân dân phò đời giúp nước, làm rạng rỡ những trang sử vẻ vang của dân tộc. Vậy vì sao những người học cần phải biết “tôn sư”? Bởi người thầy là người đã thương mến, lo lắng cho học trò của mình, dạy dỗ và hướng dẫn học trò của mình phát triển, tiến bộ, trở thành người tốt, có ích cho xã hội. Không chỉ biết “tôn sư”, người học còn phải biết “trọng đạo”. Một trong những biểu hiện của tinh thần “trọng đạo” là xem trọng, biết ơn người thầy. Ngày xưa, cứ mỗi độ Tết đến Xuân về, ông bà, cha mẹ lại không quên nhắc nhở con cháu đi chúc Tết “Mồng một tết cha, mồng hai tết mẹ, mồng ba tết thầy”. Trong không khí “vui như Tết”, mọi người vẫn không quên dành cho những người thầy những lời chúc tốt đẹp, những sự quan tâm đầy tình nghĩa.
Xưa người thầy có vai trò và vị trí nhất định trong xã hội là vậy. Ngày nay, người thầy được vinh danh là kĩ sư tâm hồn và nghề giáo được đánh giá là “Nghề cao quý nhất trong tất cả các nghề cao quý”. Người thầy chính là những người đã đưa ta đến với tri thức của nhân loại, không có người thầy chúng ta không thể có kiến thức. Người thầy dù phải đứng trước bao nhiêu khó khăn của cuộc sống vẫn đang ngày đêm lo lắng, nghiền ngẫm để truyền thụ cho học sinh những tri thức quý giá nhất. Người thầy chính là những người chéo lái đưa chúng ta đến bến bờ của cuộc sống, của niền vui và hạnh phúc. Vì vậy để có được ngày hôm nay chúng ta nên nhớ đến công ơn của những người thầy. Nhờ có những người thầy mà chúng ta có ngày hôm nay.
Thầy cô giáo chính là những người đã chèo lái con thuyền để đưa bao thế hệ học trò sang bến đỗ. Tôn trọng những người giữ vai trò truyền đạt tri thức nhân loại cho thế hệ sau là biểu hiện của tình yêu tri thức, của lòng ham học hỏi, của ý chí và khát vọng vươn lên cuộc sống tốt đẹp hơn. Vì thế “tôn sư” không chỉ là vấn đề tôn trọng, kính yêu người làm nghề dạy học mà còn là biểu hiện của tình yêu tri thức, biểu hiện của văn minh, tiến bộ. Đồng thời, “đạo” cũng không chỉ dừng lại ở đạo làm trò, ở những hình thức, thái độ ứng xử với người thầy mà còn là cả vấn đề đạo đức xã hội. Đó là đạo làm người, là đạo học ở đời. Trọng đạo là coi trọng sự hiểu biết, coi trọng tinh thần ham học hỏi, đề cao truyền thống ham học.
Với sự thay đổi cách dạy và cách học hiện nay, vai trò của người thầy trong xã hội hiện đại đã thay đổi, từ người truyền đạt tri thức đã chuyển thành người dẫn dắt học sinh tìm ra con đường đến với tri thức. Vai trò của người thầy ít nhiều thay đổi nhưng vị trí của người thầy thì không hề suy giảm. Thầy vẫn là thầy và ngày càng quan trọng hơn. Xã hội có đi đến đâu thì xã hội ấy vẫn có những người muốn học và vẫn có những người thực hiện nhiệm vụ dạy bảo người đi sau. Người thầy vẫn là trung tâm, vẫn là người quan trọng để đưa tri thức đến với chúng ta. Tôn sư trọng đạo mãi mãi sẽ là truyền thống tốt đẹp của dân tộc.
Có thể hiểu rằng, “tôn sư” là lòng tôn kính, thương mến của người học trò đối với thầy cô; “trọng đạo” là đề cao, xem trọng đạo lý. Thời phong kiến xưa, chúng ta thường nghe nói “Quân – Sư – Phụ” trong bậc thang giá trị, vua là trên hết, tiếp đó là người thầy, xếp sau vua nhưng lại trước cha mẹ. Điều đó thể hiện tinh thần “Tôn sư trọng đạo” đã có từ lâu đời và trở thành truyền thống tốt đẹp của dân tộc ta. Bên cạnh đó, những câu tục ngữ, ca dao truyền miệng từ xưa đến nay mà mọi người đều thấy quen thuộc: “Nhất tự vi sư, bán tự vi sư”, “Không thầy đố mày làm nên”, “Trọng thầy mới được làm thầy”, “Muốn sang thì bắc cầu kiều, muốn con hay chữ thì yêu lấy thầy”… cũng thể hiện được truyền thống ấy.
Tác giả bài viết: GV. PhạmTâm
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Trong không khí vui mừng hướng tới kỷ niệm 42 năm ngày Nhà giáo Việt Nam...
Nhằm giúp nhân dân xã Hoàng Hoa Thám thực hiện tốt việc ứng dụng công nghệ số...