Vấn đề thường gặp trong thi cử
1.Học tủ và bị "tủ đè" là chuyện bình thường
Chuyện học tủ là điều gần như xảy ra đối với tất cả sinh viên. Với khối lượng kiến thức khá nhiều, trong khi đó sinh viên chỉ học trong những ngày kiểm tra hoặc sắp thi, còn thời gian khác thì dành cho đi chơi, mua sắm, phượt, tụ tập bạn bè… Hơn nữa, ở đại học việc kiểm tra bài cũ không thường xuyên, không bắt buộc làm bài tập về nhà, chủ yếu học trên tinh thần tự giác là chính, thế nên chuyện học hết kì rồi mà... chẳng biết mình học cái gì khá phổ biến. Và đây cũng là nguyên nhân khiến sinh viên ngại ôn tập. Nội dung thì nhiều, chẳng biết bắt đầu ôn từ đâu. Thôi thì cứ may rủi vậy, đọc được đến đâu thì đến.
Lan (19t) cho hay: “Chuyện học tủ với sinh viên là đương nhiên rồi! Mình và các bạn trong phòng cũng vậy. Trước ngày thi 2-3 ngày mình thường xem đề của các khóa trước hay thi vào phần nào, hay hỏi câu nào thì mình học phần đấy. Chỉ mong sao trúng tủ chứ cả kì chơi suốt bây giờ biết gì đâu mà học, nhất là phần lí thuyết. Cũng có lần may mắn đề trúng câu mình học, nhưng cũng không ít lần bị tủ đè. Nhưng có lẽ “chất sinh viên” ngấm vào máu rồi không sửa được!”
2.Phao cứu trợ
Cái này chỉ dành cho những bạn... liều một chút, vì nếu bị bắt tài liệu trong phòng thi thì sẽ bị xử lý tùy mức 25% -100% điểm. Nhất là với sự hỗ trợ của thầy giám thị “xuất quỷ nhập thần”, khắc tinh của mọi sinh viên thì việc dùng phao càng trở nên khó khăn hơn. Thế nên để dùng đến phao là tình thế nguy cấp và chỉ có những sinh viên “bản lĩnh” mới dám dùng. Bây giờ, sinh viên thường truyền tai nhau câu “không cần biết đề dễ hay khó chỉ cần giám thị “lỏng tay”.
Kiên (20t) nói: “Trước mỗi kì thi hiện tượng sinh viên photo phao cứu trợ đông như trẩy hội. Những chiếc phao này rất bé để tiện bề cho việc cất vào túi áo hay túi quần. Thế nên đi thi sinh viên ai cũng thích ngồi ở những khu vực được coi là “vùng sâu vùng xa” để dễ bề hoạt động. Nói thế thôi chứ rất nhiều bạn dùng phải phao xịt chưa kịp giở thì đã bị “tóm” và bị cử lý”.
3.Trợ giúp từ những “đồng chí” xung quanh
Ngồi thi cùng các bạn học cùng lớp đã quen nhau hết, có khi còn lập team tên cùng vần, có chăng cũng chỉ thay đổi một số vị trí ngồi. Bởi vậy việc “hợp tác cùng có lợi” đã trở nên rất phát triển. Chẳng hạn như bạn ngồi trên sẽ để tờ giấy thi của mình sang một bên cho bạn bàn dưới chép, bạn ngồi dưới sẽ đọc thầm cho bạn ngồi trên chép. Và thế là cả hai cứ ung dung làm mà không cần quay ngược quay xuôi hay làm mất trật tự.
Nhiều sinh viên khi đi thi chọn những vị trí “thiên thời địa lợi nhân hòa” gần bạn học giỏi, dễ tính. Trao đổi bài với bạn cũng rất hiếm khi bị giám thị đánh dấu bài, có chăng cũng chỉ là nhắc nhở mà thôi.
Những cách này có thể giúp sinh viên vượt qua được một hay hai môn chứ không phải môn nào cũng suôn sẻ. Nếu không học không có kiến thức bạn sẽ không thể làm được bài và nhất là sau này không thể vận dụng kiến thức đó vào trong đời sống được. Kì thi đã và đang diễn ra rồi, không có gì là quá muộn để các bạn sinh viên bắt tay vào công cuộc ôn thi cả.
Một số bí kíp giúp bạn ôn thi tốt
1. Lên kế hoạch
Timeline chi tiết
Dù bạn có phủ nhận sự hữu ích của việc lập kế hoạch thế nào đi chăng nữa, thì có một danh sách các việc cần làm vẫn luôn là điều được mọi người tin dùng. Có thể trước đây bạn đã từng làm nhưng không theo kịp kế hoạch của mình và bỏ cuộc, nên có thành kiến về nó rồi từ đó không làm nữa, tuy nhiên vấn đề đó sẽ được giải quyết nếu bạn "follow" từ bước 1 đến bước 6 của bí kíp này.
Một kế hoạch rõ ràng giúp bạn có cái nhìn tổng quan hơn về con đường phía trước
Lập kế hoạch ôn thi phải bắt nguồn từ Lịch thi nhé, bởi vì bạn sẽ dựa vào thứ tự môn thi để sắp xếp trình tự ưu tiên khi ôn tập. Tiếp đến là ấn định thời gian thật chi tiết., ví dụ như Thứ 2 (3/01), buổi sáng ôn môn A (chương 1). Bạn sẽ tự sắp xếp số lượng ôn tập cho từng khoảng thời gian như thế nào là hợp lý để kịp với ngày thi. Gợi ý: Hãy dồn năng lượng vào những ngày đầu khi ôn tập, vì điều đó sẽ dự phòng cho trường hợp trễ hạn, hay đơn giản hơn là vì "khổ trước sướng sau" thôi!
2. Đặt lời nhắc
Đây là bước quan trọng luôn phải đi kèm với việc lên kế hoạch, hãy set lịch/lời nhắc từ trong điện thoại đến các thiết bị điện tử khác, rồi các phần thủ công hơn như sticker khắp mọi nơi. Đây là cách hữu hiệu để bạn không quên nhiệm vụ mình đã đặt ra khi ôn thi. Lời nhắc có nội dung gì thì tùy bạn, miễn rằng nó đủ lực để cảnh tỉnh khi bạn bắt đầu xao nhãng công việc.
Ví như bạn rất sợ phải đóng tiền đi học lại khi thi rớt, hãy thử để những câu như "Học phí mắc lắm, thi rớt kỳ này là "Tết này con không về". Lời nhắc có thể là nỗi sợ hãi của bạn khi kết quả thi tồi tệ, là những phần quà bị vụt mất nếu không làm bài tốt... hoặc là một câu nói của ai đó có sức ảnh hưởng cao để bạn thay đổi.
3. Đến thư viện
Bạn là người chưa bao giờ bước chân vào thư viện? Nếu vậy thì hãy thay đổi ngay bây giờ vì bạn không biết bản thân đã bỏ lỡ nhiều thứ đến thế nào đâu! Tầm quan trọng của sách thì không cần phải nói đến nữa, nhưng vì sao mùa thi thì cần đến thư viện? Thứ nhất, ở các môn thi được sử dụng tài liệu, mà bạn vẫn chưa có sách, đến thư viện mượn sách là một ý kiến hay.
Thứ hai, bạn đã có sách nhưng bạn biết rồi đấy, thi đề mở hay đề đóng thì kiến thức không chỉ vỏn vẹn nằm trong quyển sách bạn được học đâu, vì thế cần phải trang bị thêm "dụng cụ" để tác chiến là vậy! Thứ ba, thư viện luôn có khu tự học dành cho sinh viên, bạn có lười biếng đến đâu thì khi thấy những người xung quanh mình học hành chăm chỉ, thì tự nhiên bản thân sẽ cuống lên mà lao đầu vào học thôi.
4. Hành động
Điều quan trọng nhất và không thể thiếu đó là tự học, lên kế hoạch, đặt lời nhắc, đến thư viện mượn sách các thứ, tất cả sẽ trở thành vô ích nếu như bạn không tự học được. Đây là pha hành động, hiện thực hóa bản kế hoạch, là điều cần làm ngay khi thấy lời nhắc, là việc đọc những quyển sách đã mượn tại thư viện. Hãy dành khoảng 70% thời gian cho bước này, đây là bước quyết định thành quả ôn luyện của bạn. Hãy làm theo những gì bạn đã vạch ra trong bản kế hoạch một cách nghiêm túc và kỷ luật với bản thân nhé.
Tự học là điều kiện tiên quyết để có kết quả cao trong học tập
5. Họp nhóm
Nếu đã tự học chắc chắn sẽ gặp nhiều vấn đề nảy sinh, mà việc hỏi han bạn bè qua mạng vẫn không đủ đáp ứng. Vì đâu phải ai cũng trả lời ngay câu hỏi của bạn, và có thể việc giải thích vẫn chưa đủ "thông" đối với bạn. Cách tốt nhất là sau quá trình tự học, bên cạnh những câu hỏi đã được giải đáp thỏa đáng trên các group inbox, thì hãy hẹn hội cạ cứng ra một nơi để cùng học nhóm. Đây là lúc các câu hỏi được bung và có khả năng tìm ra được đáp án cao nhất. Nhiều cái đầu vẫn hơn một cái đầu phải không nào.
6. Thư giãn
Một tách cà phê nóng cùng một bản hòa tấu nhẹ nhàng là cách lý tưởng để giải tỏa căng thẳng
Học hành mà không có bước này thì thế nào bạn cũng dễ lâm vào con đường bệnh tật vì lao lực. Học tập kết quả không tốt thì vẫn có thể làm lại, nhưng sức khỏe mà có vấn đề thì vừa tốn tiền, vừa mệt mỏi, mà còn có những hệ quả sau này nữa; vậy nên nhất định phải có bước thư giãn trong bất cứ chuyện gì, không riêng chuyện học. Thư giãn có rất nhiều hình thức, có thể là nhâm nhi một tách cà phê, nghe một bản nhạc, hoặc ra ngoài gặp bạn bè,... hãy làm những điều đó chứ đừng thư giãn bằng cách chơi facebook nhé!
Chúc các bạn có một mùa thi may mắn, đạt kết quả cao!