TRƯỜNG ĐẠI HỌC SAO ĐỎ - CƠ SỞ GIÁO DỤC ĐẠI HỌC THEO ĐỊNH HƯỚNG ỨNG DỤNG

CHẤT LƯỢNG TOÀN DIỆN - HỢP TÁC SÂU RỘNG - PHÁT TRIỂN BỀN VỮNG

Thứ tư - 13/11/2019 23:16
  •  

Ngôi trường

Ngôi trường kể về cuộc đời mình bằng những câu chuyện vô ngôn. Nó là quyển nhật ký không lời của biết bao con người, biết bao thế hệ đi qua. Bằng loại mực có tên “Năm Tháng”, người ta ghi lại tuổi học trò của mình lên quyển nhật ký “Ngôi Trường”. Và rồi sau nhiều năm tháng lùi xa, người ta tìm về và họa lại cuộc đời mình bằng những trang nhật ký chưa bao giờ trọn vẹn, bằng một thứ màu vẽ của người họa sĩ mang tên “Xưa cũ”.
Ngôi trường – mỗi khi nhắc đến hai từ đó, ít nhiều trong mỗi chúng ta đều có hồi ức nào đó được gợi lại, hay bất chợt bạn “ồ” lên một tiếng. “À, tôi đã từng có một thời dưới mái trường”.
Trong suy niệm của mỗi người, chắc ít có ai nghĩ đến việc định nghĩa ngôi trường như một khái niệm chuẩn mực. Mọi ngôi trường đều như nhau, nhưng ngôi trường trong mỗi chúng ta lại là những ngôi trường riêng biệt. Ngôi trường là nơi chúng ta học tập, nơi chúng ta sống những ngày thơ trẻ. Tôi dùng từ “sống” chứ không phải là “tồn tại” hay “hoạt động”, là bởi vì ở ngôi trường đó, chúng ta trải cuộc đời mình lên tất cả những cung bậc cảm xúc chứ không đơn thuần là sự tương tác qua lại trên phương diện lý tính. Ở đó, chúng ta nếm những mật ngọt của yêu thương, hưởng cái trong lành của sự thanh bình thời trẻ dại. Và hơn nữa, ở đó, chúng ta xây đắp ước mơ, làm cái nền tảng cho một cuộc sống khác hơn ngoài cổng trường.
Với mỗi người, ngôi trường mang những ý niệm riêng biệt. Là bởi nó gắn liền với chúng ta bằng những hồi ức riêng biệt. Nó là tương lai, là hiện tại hay quá khứ, tùy theo vị trí của chúng ta trên dòng thời gian. Với tôi, có ngôi trường là quá khứ, là một thời cũ kĩ mà đã có nhiều lần tôi muốn kéo nó trở lại để tìm về những kỉ niệm thời học trò, những bè bạn, những cô thầy. Nhưng tôi còn có một ngôi trường là của hiện tại và tương lai, ngôi trường gắn liền với những bộn bề lo toan trong cuộc sống thường nhật của tôi. Ngôi trường hiện tại, nơi tôi và những cô thầy đ tôi cùng chia sẻ niềm vui, áp lực công việc, cùng chứng kiến những thăng trầm của nó.
Những ngôi trường của của tôi đều đã bước qua tuổi 50. Năm mươi năm, qua biết bao đổi dời, biết bao thăng trầm, chúng tôi cùng già đi. Ngôi trường, không phải chỉ là một cuộc đời, mà biết bao nhiêu cuộc đời đã từng dừng lại, ghé chân rồi rời đi. Ở nơi đó, không phải là mái nhà cho một người mà là cho những lớp người đến và đi. Để rồi có bao nhiêu con người đi qua rồi mà còn ngoảnh lại? Hay khi đường đời nhiều khi xô bồ đẩy họ dạt chân vào bến cũ? Tôi có vài lần gặp lại người bạn xưa, trò cũ, hỏi thăm nhau vài câu rồi vô tình lại nhắc  chuyện cũ. Chúng tôi đều thèm được sống những ngày tháng học trò, chẳng biết âu lo là gì, có chăng chỉ là lo chuyện thi cử, điểm thấp điểm cao hay hôm nay chưa thuộc bài, ngày maichưa làm bài tập. Chỉ có bấy nhiêu mà bao nhiêu là ngọt ngào và chát đắng mỗi khi ý thức được chẳng có đường nào trở về ấu thơ. Tôi hôm nay, luôn muốn gửi gắm hoài niệm và tìm lại tháng năm học trò trên giảng đường và những sinh viên của mình. 
Con người ta kỳ lạ lắm, họ hay ràng buộc mình với một nỗi u hoài trong quá khứ mà thường bỏ quên hiện tại. Người ta thở dài vì một điều trong quá khứ còn nuối tiếc . Để rồi khi cái thời khắc hiện tại trôi đi thì người ta lại thở dài vì nó. Tuổi trẻ thường vậy, tôi cũng như vậy. Thời học trò của tôi có lắm điều thú vị mà tôi bỏ quên, cứ hoài niệm về một thời học trò xưa cũ nhưng lại xa xôi lắm. Và khi bước chân ra khỏi cổng trường đại học, tôi lại tiếp tục ngoảnh nhìn về hồi ức, lại chợt tiếc cái quãng đời học sinh vội vàng theo những vòng xe. Nhiều lúc ân hận vì chưa sống hết mình trong thời khắc đó, tiếc vì những việc đã định mà rồi lại không làm. Nhưng chính cái niềm ân hận đó lại chính là hồi ức đẹp trong tôi. Người ta quên mất rằng: “Hạnh phúc dễ lãng quên, buồn đau luôn ở lại”. Cái gì toàn vẹn quá lại không khiến người ta thương nhớ bằng một khiếm khuyết. Quá khứ nếu không có điều nuối tiếc thì có lẽ nó cũng chẳng có gì đáng để hoài niệm.
Tháng năm đi qua, từng thế hệ cũng lần lượt nối nhau tạm biệt trường xưa, nhưng là vĩnh viễn chia xa tuổi học trò. Thời gian là một dòng chảy đơn tuyến, trôi qua là không bao giờ trở lại nữa. Nhưng ngôi trường thì còn mãi đó, trầm ngâm như một người đã dạn dày sóng gió, khoác lên mình chiếc áo vải màu thời gian. Có đôi lần tôi trở lại trường xưa vào những buổi chiều muộn, ngồi một mình dưới gốc phượng già cỗi,  suy tư về cuộc đời mình. Thời gian qua đi, ngôi trường in trên mình năm tháng, ký ức không thể xóa nhòa của các thế hệ học sinh.
 Mọi thứ rồi sẽ đổi thay như những gì đã định,những góc cạnh rồi sẽ thành những đường cung. Ngôi trường vẫn cứ nằm yên đó, lặng lẽ buồn vui, lặng lẽ già đi theo năm tháng. Ngôi trường kể về cuộc đời mình bằng những câu chuyện vô ngôn. Nó là quyển nhật ký không lời của biết bao con người, biết bao thế hệ đi qua. Bằng loại mực có tên “Năm Tháng”, người ta ghi lại tuổi học trò của mình lên quyển nhật ký “Ngôi Trường”. Và rồi sau nhiều năm tháng lùi xa, người ta tìm về và họa lại cuộc đời mình bằng những trang nhật ký chưa bao giờ trọn vẹn, bằng một thứ màu vẽ của người họa sĩ mang tên “Xưa cũ”.
Ngôi trường đứng lại để thời gian đi qua. Năm tháng cứ hững hờ vẽ bức tranh muôn màu của nó. Tôi vẫn tiếp tục trên hành trình dang dở của mình, chèo lái con thuyền chở  lớp lớp học trò qua dòng sông tri thức. Và còn những lần trở lại trường xưa, trầm ngâm trước cánh cổng, tự hỏi không biết có khi nào những lối về sẽ chẳng còn khuất nẻo?

Tác giả bài viết: GV. Nguyễn Thị Quyên

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây