TRƯỜNG ĐẠI HỌC SAO ĐỎ - CƠ SỞ GIÁO DỤC ĐẠI HỌC THEO ĐỊNH HƯỚNG ỨNG DỤNG

CHẤT LƯỢNG TOÀN DIỆN - HỢP TÁC SÂU RỘNG - PHÁT TRIỂN BỀN VỮNG

Thứ tư - 14/07/2021 10:48
  •  

Những phẩm chất đạo đức cơ bản của con người Việt Nam trong thời đại mới theo tư tưởng Hồ Chí Minh

Hồ Chí Minh - một tấm gương sáng về đạo đức và thực hành đạo đức. Ở Người, đạo đức đã đạt tới một sự thống nhất chặt chẽ giữa nói và làm, giữa đời công và đời tư, giữa đạo đức cánh mạng và đạo đức đời thường. Chính vì thế, những vấn đề đạo đức mà Hồ Chí Minh đặt ra rất gần gũi với mỗi con người Việt Nam.
Phẩm chất đạo đức là những chuẩn mực hành vi làm nên giá trị của một con người. Dựa vào khung chuẩn mực ấy, người ta có thể đánh giá các hành vi của con người là tốt hay xấu, lợi hay hại, về những điều được khuyến khích, cấm kị, về nghĩa vụ của mỗi con người… Theo tư tưởng Hồ Chí Minh, những phẩm chất đạo đức cơ bản của con người Việt Nam trong thời đại mới gồm bốn phẩm chất chung cơ bản nhất bao quát những mối quan hệ cơ bản của con người trong xã hội đó là:
  • Với đất nước, dân tộc: “Trung với nước, hiếu với dân”
  • Với mọi người: “Yêu thương con người, sống có nghĩa, có tình”
  • Với bản thân: “Cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư”
  • Với toàn nhân loại, người cách mạng phải có “Tinh thần quốc tế trong sáng”
Trong đó, phẩm chất đạo đức cơ bản nhất, quan trọng nhất, bao trùm nhất chính là “Trung với nước, hiếu với dân”.
Tư tưởng Hồ Chí Minh về đạo đức nghề nghiệp, đạo đức công vụ đối với cán bộ, công chức Văn phòng. - Chi tiết tin tức - UBND Tỉnh Bắc Giang
Theo Người, trung với nước là trung thành với sự nghiệp giữ nước và dựng nước. Nước ở đây là nước của dân, còn dân lại là chủ nhân đất nước. Khi Hồ Chí Minh đặt vấn đề “bao nhiêu quyền hạn đều của dân”, “bao nhiêu lợi ích đều vì dân”, “bao nhiêu quyền hành và lực lượng đều ở nơi dân”, Đảng và Chính phủ là “đày tớ nhân dân” chứ không phải “quan nhân dân để đè đầu cưỡi cổ nhân dân”. Cụ thể hơn, trung với nước là trong mối quan hệ giữa cá nhân với cộng đồng và xã hội, phải biết đặt lợi ích của Đảng, của Tổ quốc, của cách mạng lên trên hết, trước hết, quyết tâm phấn đấu thực hiện mục tiêu cách mạng, thực hiện tốt mọi chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước. Hiếu với dân là không chỉ hiếu thảo với cha mẹ mình, mà còn phải hiếu thảo với cha mẹ của người khác, hiếu thảo với nhân dân, gắn bó với nhân dân, bao nhiêu quyền hạn đều là của dân, bao nhiêu lợi ích đều là vì dân, bao nhiêu lực lượng đều là ở dân….Người khẳng định: nước lấy dân làm gốc, gốc có vững cây mới bền. Câu nói “Trung với nước, hiếu với dân, suốt đời phấn đấu hi sinh vì độc lập tự do của Tổ quốc, nhiệm vụ nào cũng hoàn thành, khó khăn nào cũng vượt qua, kẻ thù nào cũng đánh thắng” của Người vừa là lời kêu gọi hành động, vừa là định hướng chính trị, đạo đức cho mỗi người Việt Nam không phải chỉ trong cuộc đấu tranh cách mạng trước mắt mà còn lâu dài về sau.
Hồ Chí Minh coi “Yêu thương con người, sống có nghĩa, có tình” là phẩm chất đạo đức cao đẹp nhất, là sự kế thừa truyền thống nhân nghĩa của dân tộc, kết hợp với chủ nghiã nhân đạo cộng sản, tinh thần nhân văn của nhân loại. Tình yêu thương là một tình cảm rộng lớn, trước hết dành cho những người cùng khổ, những người lao động bị áp bức bóc lột, không phân biệt màu da, dân tộc… Ở Hồ Chí Minh, tình yêu thương đó được thể hiện bằng một ham muốn tột bậc là làm cho nước được độc lập, dân được tự do, mọi người ai cũng có cơm ăn áo mặc, ai cũng được học hành. Nếu không có tình yêu thương con người như vậy thì không thể nói đến cách mạng, càng không thể nói đến chủ nghĩa xã hội và chủ nghĩa cộng sản. Tuy nhiên, yêu thương con người không đồng nghĩa với thái độ dĩ hòa vi quý, bao che sao lầm, khuyết điểm cho nhau. Yêu thương con người là giúp cho mỗi người ngày càng tiến bộ, sống cao đẹp hơn.
Bên cạnh đó, Người cũng khẳng định phẩm chất trung tâm của đạo đức là “Cần, kiệm, liêm, chính, chí công, vô tư” thể hiện mối quan hệ “với tự mình”. Mỗi con người cần làm việc cần cù, siêng năng, lao động với tinh thần tự lực cánh sinh, coi lao động là nghĩa vụ thiêng liêng, là nguồn sống, nguồn hạnh phúc. Trong công việc luôn cố gắng tiết kiệm sức lao động, thời giờ, tiền của bản thân, của dân, của nước. Trong cuộc sống không xa hoa, lãng phí, không phô trương, hình thức. Là một người cán bộ phải sống trong sạch, luôn ngay thẳng, chính trực, không tham địa vị, tiền tài, hư vinh. Đối với mình không tự cao, tự đại; đối với người không nịnh trên, khinh dưới, luôn giữ thái độ chân thành, khiêm tốn, đoàn kết. Đối với việc thì để việc công lên trên, lên trước việc tư, việc nhà, việc thiện dù nhỏ mấy cũng làm, việc ác thì dù nhỏ mấy cũng tránh. Là một người lãnh đạo nên “lo trước thiên hạ, vui sau thiên hạ”. Để làm được như vậy cần phỉa chiến thắng được chủ nghĩa cá nhân, phải công bằng, công tâm. Như vậy, các phẩm chất “Cần, kiệm, liêm, chính, chí công, vô tư” có mối quan hệ chặt chẽ với nhau. Cần, kiệm, liêm, chính sẽ dẫn đến chí công, vô tư. Ngược lại, đã chí công vô tư, một lòng vì nước, vì dân, vì Đảng thì nhất định sẽ thực hiện được cần, kiệm, liêm, chính.
Những phẩm chất đạo đức cơ bản của con người Việt Nam trong thời
Cũng theo tư tưởng Hồ Chí Minh, “Tinh thần quốc tế trong sáng” là tinh thần đoàn kết quốc tế, là yêu cầu đạo đức nhằm vào mối quan hệ rộng lớn, vượt qua khuôn khổ quốc gia dân tộc, là sự mở rộng những quan niệm đạo đức nhân đạo, nhân văn của Người ra phạm vi toàn nhân loại. Người quan niệm đoàn kết với nhân dân lao động các nước vì mục tiêu chung đấu tranh giải phóng con người khỏi ách áp bức, bóc lột, là tinh thần “giúp bạn là tự giúp mình”; Đoàn kết quốc tế giữa những người vô sản toàn thế giới vì một mục tiêu chung, “bốn phương vô sản đều là anh em”; Đoàn kết với nhân loại tiến bộ vì hoà bình, công lý và tiến bộ xã hội; Đoàn kết quốc tế gắn liền với chủ nghĩa yêu nước. Chủ nghĩa yêu nước chân chính sẽ dẫn đến chủ nghĩa quốc tế trong sáng, chống lại mọi biểu hiện của chủ nghĩa sô vanh, vị kỷ, hẹp hòi, kỳ thị dân tộc...
Có thể nói rằng, tư tưởng Hồ Chí Minh về những phẩm chất đạo đức cơ bản của con người Việt Nam trong thời đại mới là một hệ thống các quan điểm cơ bản và toàn diện bao gồm: vị trí, vai trò, nội dung của đạo đức; những phẩm chất đạo đức cơ bản; những nguyên tắc xây dựng nền đạo đức mới cũng như yêu cầu rèn luyện đạo đức với mỗi người trên mọi lĩnh vực hoạt động. Tư tưởng đó đã trở thành kim chỉ nam cho những nguyên tắc đạo đức trong xã hội và trong đời sống mỗi con người Việt Nam mà bản thân Người là một tấm gương sáng ngời để chúng ta học tập và noi theo.

Tác giả bài viết: Phạm Thị Tâm

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây