TRƯỜNG ĐẠI HỌC SAO ĐỎ - CƠ SỞ GIÁO DỤC ĐẠI HỌC THEO ĐỊNH HƯỚNG ỨNG DỤNG

CHẤT LƯỢNG TOÀN DIỆN - HỢP TÁC SÂU RỘNG - PHÁT TRIỂN BỀN VỮNG

Thứ tư - 06/04/2016 09:43
  •  

Vai trò tự học của sinh viên trong môi trường Đại học

Chỉ có thể bằng con đường tự học sinh viên mới có thể học hỏi được điều gì đó và môi trường Đại học là bước đầu tiên để sinh viên có cách sống tự lập và dần trưởng thành. Nhiệm vụ của Nhà trường là tạo mọi điều kiện thuận lợi cho quá trình tự học của sinh viên. Nếu như không làm được điều này, Nhà trường sẽ đánh mất ý nghĩa tồn tại của mình. Tại đây, sinh viên sẽ hình thành kỹ năng sống độc lập và vai trò của sinh viên trong việc học hỏi, tiếp nhận kiến thức cũng được khẳng định.
        Hiện nay, đào tạo theo hình thức tín chỉ là phương pháp đào tạo có nhiều ưu thế và được áp dụng phổ biến trong hầu hết các trường Đại học, Cao đẳng. Tuy nhiên, để việc áp dụng hình thức này có hiệu quả, phù hợp với điều kiện, hoàn cảnh của mỗi trường là một vấn đề khó đối với cán bộ quản lý, giảng viên và cả sinh viên. Với hình thức đào tạo này sinh viên trở thành trung tâm, ngoài những kiến thức giảng viên truyền đạt trên lớp thì sinh viên phải tự học, tự nghiên cứu thêm tài liệu. Vì vậy, việc tự học của sinh viên giữ vai trò rất quan trọng, là nhân tố trực tiếp nâng cao chất lượng đào tạo tại các trường Đại học. Bên cạnh đó, góp phần nâng cao hoạt động trí tuệ của sinh viên trong việc tiếp thu và hiểu tri thức mới, rèn cho sinh viên cách độc lập trong suy nghĩ và giải quyết các vấn đề khó khăn trong quá trình học, giúp sinh viên tự tin hơn trong lựa chọn cuộc sống của mình.
        Trong hoạt động dạy học ở các trường Đại học, hiệu quả của quá trình dạy học chính là sự tương tác của tư duy, hành động, lời nói giữa giảng viên và sinh viên. Tuy nhiên, quá trình dạy học thành công của giảng viên có quan hệ biện chứng với quá trình tự học của sinh viên, do vậy, không thể bỏ qua vấn đề tự học của sinh viên.  Sự tương tác bằng ngôn ngữ giữa giảng viên và sinh viên giúp củng cố và phát triển tư duy của sinh viên, đồng thời, cho phép sinh viên nhận thức thế giới xung quanh, nhận ra mình trong thế giới đó. Tuy nhiên, phát triển tư duy chỉ với hệ thống giao tiếp không là chưa đủ mà cần phải có hoạt động tự học của sinh viên thể hiện ở sự nỗ lực của sinh viên nhằm làm chủ kiến thức, kỹ năng, kỹ xảo, tạo điều kiện cho sự phát triển nhận thức và trí tuệ.
        Tự học của sinh viên có vai trò vô cùng quan trọng trong môi trường Đại học. Tự học nhằm phát huy tính tự giác học và nghiên cứu của sinh viên, qua đó góp phần giúp sinh viên rèn luyện khả năng tư duy và sáng tạo của cá nhân. Mặt khác, khi tự học sinh viên có thể chủ động được quỹ thời gian, có thể học bất cứ lúc nào mà không bị ràng buộc. Từ đó giúp sinh viên nắm kiến thức vững chắc và có thể hiểu sâu và nhớ kỹ hơn các vấn đề. Ngoài ra, việc tự học còn nâng cao tinh thần trách nhiệm trong công tác làm việc theo nhóm, khi đó sinh viên có thể thể hiện tính sáng tạo trong tư duy và linh hoạt nhạy bén trong suy nghĩ, điều quan trọng hơn hết là sinh viên có thể đi sâu hơn so với thực tế nhằm rèn luyện kỹ năng phân tích tình hình và đưa ra quyết định, đây là một yếu tố cần và đủ để sau này khi rời khỏi ghế nhà trường sinh viên sẽ không bỡ ngỡ khi làm việc ở môi trường thực tế
        Nội dung của tự học rất phong phú, bao gồm toàn bộ những công việc học tập do cá nhân và có khi do tập thể sinh viên tiến hành ngoài giờ học chính khóa hoặc đôi khi ngay trong giờ học chính khóa như đọc sách ghi chép theo cách riêng, làm bài tập, tham gia các hoạt động thực tế… Như vậy, tự học không đồng nghĩa với việc học cá nhân mà sinh viên có thể tổ chức học nhóm. Tuy nhiên, để học nhóm có hiệu quả cao thì cần tuân thủ một số điều quan trọng như không nói chuyện, đùa giỡn trong khi học, cần có một trưởng nhóm có kiến thức vững và biết cách truyền tải lượng kiến thức đó một cách hiệu quả nhất, biết điều tiết “nhiệt độ” học và biết phân bố thời gian học hợp lý và sinh động để các thành viên học không bị chán.
        Tự học có vai trò vô cùng quan trọng, khi xem xét cốt lõi của tự học thì mối quan hệ giữa dạy và học chỉ là ngoại lực, còn tự học là nhân tố quyết định đến bản thân người học – là nội lực. Nhưng điều này không phủ nhận quá trình dạy cũng có ý nghĩa rất lớn và ảnh hưởng trực tiếp đến quá trình học. Do vậy, trò là chủ thể, trung tâm, tự mình chiếm lĩnh tri thức, chân lý bằng hành động của mình, tự phát triển bên trong. Thầy là tác nhân, hướng dẫn, tổ chức, đạo diễn cho trò tự học. Người thầy giỏi là người dạy cho trò biết tự học. Người trò giỏi là người biết tự học sáng tạo suốt đời. Và thành công trong quá trình giảng dạy là sinh viên phải biết cách tự học.
        Có thể thấy rằng, tự học, tự đào tạo là vô cùng quan trọng và được quan tâm, khuyến khích trong học tập. Sinh viên chỉ có thể thành công trong học tập, nghiên cứu khoa học và những thành tựu nhất định trong tương lai cũng bằng quá trình tự học. Hiện nay, sự phát triển tri thức của loài người là không bờ bến, trong khi thời gian học trong trường, trên giảng đường Đại học bao giờ cũng có hạn thì con đường để đi tới thành công, vươn tới những ước mơ của các bạn sinh viên không có con đường nào khác là phải tự học và học suốt đời.

Tác giả bài viết: Phạm Tâm

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây