Đạo đức là một trong những hình thái sớm nhất của ý thức xã hội bao gồm những nguyên lý, quy tắc chuẩn mực điều tiết hành vi của con người trong quan hệ với người khác và với cộng đồng. Đạo đức ra đời, phát triển do nhu cầu của xã hội, nhằm duy trì, phát triển quan hệ xã hội đã được xác lập. Giữa đạo đức mới – đạo đức XHCN hiện nay và đạo đức của xã hội cũ, Hồ Chí Minh đã chỉ ra rằng: “Đạo đức cũ như người đầu ngược xuống đất chân chổng lên trời. Đạo đức mới như người hai chân đứng vững được dưới đất, đầu ngẩng lên trời”. Đạo đức mới - Đạo đức XHCN Việt Nam còn gọi là đạo đức cách mạng, là đạo đức của giai cấp công nhân, của những người lao động Việt Nam được giải phóng, luôn đoàn kết tương trợ nhau theo nguyên tắc “mỗi người vì tất cả mọi người, tất cả mọi người vì mỗi người” - thứ đạo đức, như Ph.Ăngghen khẳng định, “có tất cả một số lượng nhiều nhất những nhân tố hứa hẹn một sự tồn tại lâu dài”. Trong quá trình hình thành và phát triển, nền đạo đức mới Việt Nam có kế thừa, phát triển những tinh hoa đạo đức truyền thống của dân tộc và nhân loại, được đưa vào hệ thống giá trị của giai cấp công nhân - là hệ thống tập trung đầy đủ, toàn vẹn các lý tưởng của đạo đức truyền thống và nhân loại.
Sinh thời, vị cha già kính yêu của dân tộc ta cho rằng: “Đạo đức là cái nền tảng, là cái gốc của mỗi con người”. Và trong suốt cuộc đời cách mạng của mình Người luôn quan niệm đạo đức cách mạng là cái gốc con người cách mạng: “Người cán bộ cách mạng phải có đạo đức cách mạng, phải giữ vững đạo đức cách mạng mới là người cán bộ cách mạng chân chính”. Đức và tài là hai mặt không thể thiếu ở mỗi con người. Nó gắn bó hoàn thiện cho nhau và không thể coi nhẹ mặt nào. Tuy nhiên, xét về mối quan hệ giữa hai mặt đó thì Hồ Chí Minh cho rằng đạo đức là cái cần phải có trước: “Cũng như sông thì có nguồn mới có nước, không có nguồn thì sông cạn. Cây phải có gốc, không có gốc thì cây héo. Người cách mạng phải có đạo đức, không có đức thì dù tài giỏi mấy cũng không lãnh đạo được nhân dân”.
Sau hơn 40 năm đổi mới, đất nước ta đã có bước ngoặt trong lịch sử phát triển kinh tế - xã hội. Từ mô hình kinh tế nhà nước, tập thể sang mô hình kinh tế hàng hóa nhiều thành phần, từ mô hình quản lý kinh tế theo cơ chế tập trung quan liêu bao cấp sang quản lý theo cơ chế thị trường. Sự chuyển đổi đã tác động mạnh đến mọi mặt của đời sống xã hội, trong đó có đạo đức. Bên cạnh sự xuất hiện những giá trị đạo đức mới, nếp sống văn hoá mới lành mạnh, phù hợp với nền kinh tế thị trường cũng có tình trạng, một số giá trị đạo đức truyền thống, nếp sống văn hoá truyền thống tốt đẹp bị xâm hại, mai một, đặc biệt trong một bộ phận thế hệ sinh viên hiện nay.
Có thể thấy, trong xu hướng hội nhập hiện nay, sinh viên năng động, thực tế hơn và bộc lộ rõ cá tính, quan niệm đạo đức của sinh viên hiện nay cũng ít bị ràng buộc bởi dư luận hơn so với các thế hệ sinh viên trước. Có thể khẳng định, hầu hết sinh viên đã kế thừa và phát huy những giá trị đạo đức tốt đẹp của dân tộc, có lối sống lành mạnh, trung thực, đoàn kết, nhân ái và có tinh thần cộng đồng, có động cơ học tập nghiêm túc và tích cực, chủ động trong học tập, nghiên cứu khoa học, tích lũy kiến thức, rèn luyện kỹ năng nghề nghiệp nhằm đáp ứng yêu cầu của thị trường lao động. Bên cạnh đó, một bộ phận sinh viên thực dụng trong quan niệm đạo đức và hành vi ứng xử, muốn thể hiện vai trò cá nhân và đề cao các giá trị vật chất hơn những giá trị tinh thần; một số sinh viên có thái độ thờ ơ, vô cảm, thiếu trách nhiệm đạo đức đến bản thân, gia đình, xã hội; xa rời các giá trị đạo đức tốt đẹp của dân tộc, sống buông thả, tự đặt mình ra khỏi những nguyên tắc, có lối hành xử bạo lực phi nhân tính, lười học tập, lười lao động... Chính vì vậy, cùng với sự chủ động, tự giác xây dựng nền kinh tế thị trường lành mạnh chúng ta cần tăng cường giáo dục đạo đức mới, đồng thời phải có cách giáo dục đúng đắn để phát huy được những ảnh hưởng tích cực, ngăn ngừa ảnh hưởng tiêu cực của kinh tế thị trường đến đạo đức của học sinh, sinh viên. Từ đó, xây dựng và giáo dục đạo đức mới cho sinh viên trong các Nhà trường.
Giáo dục đạo đức và thường xuyên chăm lo giáo dục đạo đức là một nhiệm vụ quan trọng của Nhà trường. Nội dung cơ bản trong giáo dục đạo đức cho sinh viên hiện nay trong các trường Đại học bao gồm:
Thứ nhất, công tác giáo dục chính trị, tư tưởng: Hệ tư tưởng xã hội của sinh viên Việt Nam hiện nay là chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh và quan điểm, đường lối của Đảng Cộng sản Việt Nam. Để giúp sinh viên có thế giới quan, phương pháp luận khoa học, xác định được lý tưởng của mình tất yếu phải được học tập các môn lý luận chính trị một cách nghiêm túc.
Thứ hai, hoạt động giáo dục đạo đức nói chung và đạo đức nghề nghiệp nói riêng: Mục tiêu đào tạo của các trường Đại học là hình thành và bồi dưỡng nhân cách, phẩm chất năng lực của công dân; đào tạo lớp người lao động có tay nghề, năng động và sáng tạo, có niềm tự hào dân tộc, có đạo đức và ý chí vươn lên đáp ứng yêu cầu của sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Thứ ba, sự tu dưỡng của bản thân sinh viên: Đạo đức mới chỉ được hình thành trên cơ sở sự tự giác tu dưỡng của mỗi sinh viên. Nó đòi hỏi mỗi sinh viên phải tự giác rèn luyện thông qua hoạt động thực tiễn, học tập, trong các mối quan hệ của mình, cần thấy được cái hay, cái tốt, cái được và chưa được của mình để khắc phục. Nội dung tu dưỡng của bản thân thể hiện ở việc sinh viên phải biết sống có lý tưởng, có thái độ chính trị đúng đắn và phải thực hành những chuẩn mực đạo đức cơ bản.
Như vậy, chăm lo giáo dục đạo đức mới cho sinh viên Việt Nam hiện nay có ý nghĩa rất quan trọng trong việc phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao cho sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hoá. Cùng với giáo dục thể chất, văn hoá, chuyên môn nghiệp vụ, giáo dục đạo đức góp phần hoàn thiện các mặt, đức, trí, thể, mỹ cho sinh viên Việt Nam nói riêng, thanh niên Việt Nam nói chung - thế hệ kế tục sự nghiệp cách mạng nước nhà, đáp ứng yêu cầu của sự nghiệp xây dựng và bảo vệ tổ quốc.