TRƯỜNG ĐẠI HỌC SAO ĐỎ - CƠ SỞ GIÁO DỤC ĐẠI HỌC THEO ĐỊNH HƯỚNG ỨNG DỤNG
CHẤT LƯỢNG TOÀN DIỆN - HỢP TÁC SÂU RỘNG - PHÁT TRIỂN BỀN VỮNG
Trong khó khăn nảy sinh sáng kiến
Trong bối cảnh dịch COVID-19 đang diễn biến phức tạp tại TP.Chí Linh, tỉnh Hải Dương diễn ra vào cuối tháng 1 và tháng 2.2021 vừa qua, nhóm nghiên cứu do TS Đỗ Văn Đỉnh - Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Sao Đỏ (Bộ Công Thương) là trưởng nhóm đã đưa ra ý tưởng chế tạo robot vận chuyển nhu yếu phẩm để phục vụ phòng, chống COVID-19 tại bệnh viện dã chiến và khu cách ly tập trung trên địa bàn tỉnh Hải Dương. Nhóm nghiên cứu ban đầu gồm 5 giảng viên, trong đó có 3 giảng viên Khoa Điện và 2 giảng viên Khoa Cơ khí, sau đó tăng cường thêm 4 giảng viên để chế tạo robot đợt II…
Sau khi có ý tưởng chế tạo Robot vận chuyển nhu yếu phẩm phục vụ phòng, chống COVID-19, nhóm nghiên cứu họp nhanh thống nhất nội dung, lên kế hoạch tổ chức thực hiện, phân công thành viên vẽ, thiết kế phụ trách phần chế tạo cơ khí, phụ trách lập trình điều khiển… và chuẩn bị thiết bị, mua nguyên, vật liệu để bắt tay vào chế tạo.
Trong thời gian dịch bệnh bùng phát, TP.Chí Linh bị phong tỏa, các tuyến đường vận chuyển hàng hóa qua Hải Dương bị kiểm soát ngặt nghèo, việc tìm mua nguyên vật liệu gặp nhiều khó khăn. Các thành viên trong nhóm nỗ lực tìm kiếm và liên hệ với bên cung cấp nguyên vật liệu để nhanh chóng bắt tay vào chế tạo.
Robot vận chuyển số 1 được nhóm triển khai chế tạo đến khi vận hành, chạy thử được làm “thần tốc” trong 32 giờ với giá thành sản xuất gần 30 triệu đồng/robot.
Để giúp người vận hành dễ dàng điều khiển, nhóm tác giả đã sử dụng bộ điều khiển từ xa công nghiệp bán kính điều khiển 100m. Cơ cấu chuyển động của robot mô phỏng kiểu bánh xích xe tăng, tạo sự vững chắc khi di chuyển. Robot có thể rẽ trái, rẽ phải và quay góc 360° tạo sự linh hoạt, phù hợp với mọi địa hình. Trên thân robot được trang bị đèn báo, bộ tín hiệu bằng âm thanh giúp các bệnh nhân nhận biết khi robot vận chuyển nhu yếu phẩm, đồ ăn đến nơi…
Sau khi chế tạo thành công robot vận chuyển số 1, ngày 21.2.2021, Trường Đại học Sao Đỏ đã bàn giao cho Bệnh viện dã chiến số 1 (Trung tâm y tế Chí Linh) và nhận được phản hồi tích cực từ bệnh viện về tính năng, tiện ích của robot này đối với hoạt động phòng chống, dịch của các y bác sĩ. Ban Giám hiệu trường tiếp tục chỉ đạo nhóm tác giả chế tạo thêm 2 robot để phục vụ các bệnh viện dã chiến và khu cách ly trên địa bàn tỉnh Hải Dương.
2 robot tiếp theo được nhóm tác giả cải tiến hơn, có thể vận chuyển được trọng lượng 250kg nhu yếu phẩm như quần áo, nước sát khuẩn và các vật dụng y tế, đồ ăn... Ngày 26.2.2021, các robot này đã được bàn giao cho Bệnh viện dã chiến số 2 (Trường Đại học kỹ thuật y tế Hải Dương) và khu cách ly tập trung của huyện Kim Thành, tỉnh Hải Dương.
Việc đưa vào sử dụng robot điều khiển bằng tay để vận chuyển nhu yếu phẩm sẽ hạn chế đến mức thấp nhất việc tiếp xúc gần giữa người, ngăn ngừa, giảm nguy cơ lây nhiễm chéo, góp phần giảm bớt khối lượng công việc cho các nhân viên y tế và những người phục vụ.
“Đây là thành công quan trọng trong hoạt động nghiên cứu khoa học, khẳng định trình độ nghiên cứu, sáng tạo, sự nhạy bén, kịp thời của nhà trường trong tình hình dịch bệnh bùng phát lại, góp phần thiết thực chung tay cùng chính quyền tỉnh Hải Dương phòng, chống và đẩy lùi dịch bệnh COVID-19” - TS Đỗ Văn Đỉnh - Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Sao Đỏ cho biết.
Đẩy mạnh chuyển đổi số
Theo TS Đỗ Văn Đỉnh, trong thời gian qua, Trường Đại học Sao Đỏ đã đẩy mạnh chuyển đổi số trong công tác quản lý và chuyển đối số trong công tác dạy, học, kiểm tra, đánh giá và nghiên cứu khoa học hướng tới trường đại học thông minh.
Trong công tác quản lý, nhà trường đã số hóa các thông tin quản lý, tạo ra những hệ thống cơ sở dữ liệu (CSDL) lớn, triển khai các hoạt động trực tuyến. Số hóa trong công tác quản lý, theo dõi trang thiết bị; quản lý, đánh giá hiệu quả công việc của viên chức và người lao động; quản lý ký túc xá, nhà trọ thông minh; tích hợp camera với xử lý ảnh để chấm công; quản lý xe ra/vào; thăm dò các bên liên quan về các hoạt động của nhà trường; cổng thông tin hành chính điện tử (esdu.saodo.edu.vn)…
Trong hoạt động đào tạo (thay từ giảng dạy), nhà trường đã áp dụng số hóa học liệu (giáo trình điện tử, bài giảng điện tử, kho bài giảng e-learning, ngân hàng câu hỏi trắc nghiệm), xây dựng thư viện số, phòng thí nghiệm ảo, triển khai hệ thống đào tạo trực tuyến (SDU E-Learning); kiểm soát sự trùng lặp các đề tài tốt nghiệp, đề tài nghiên cứu khoa học…
Để phát huy tinh thần sáng kiến, sáng tạo trong cán bộ, thầy, cô giáo, sinh viên, Ban Giám hiệu Trường Đại học Sao Đỏ đã khuyến khích mỗi cán bộ, giảng viên của nhà trường tham gia vào hoạt động nghiên cứu khoa học chính là nhiệm vụ quan trọng cùng với hoạt động giảng dạy.
“Các thầy, cô là tấm gương để sinh viên noi theo. Bởi vậy, mỗi cán bộ, giảng viên nhà trường đều nhận thức được tầm quan trọng của nghiên cứu khoa học, tự trau dồi tri thức, trình độ chuyên môn nghiệp vụ của mình góp phần vào nâng cao chất lượng đào tạo của nhà trường.
Đối với sinh viên, nhà trường luôn khuyến khích và tạo điều kiện để sinh viên phát huy tinh thần sáng tạo và tham gia nghiên cứu khoa học với niềm đam mê, với tinh thần tự học cao. Bởi vậy, nhà trường luôn tổ chức nhiều sân chơi bổ ích cho sinh viên tham gia như hoạt động sáng tạo robot, Hội thi sáng tạo khoa học công nghệ trong sinh viên… giúp các em nhận thức được học tập và nghiên cứu sáng tạo là những hoạt động cần thiết trong thời kỳ cách mạng công nghiệp 4.0. Đồng thời, là điều kiện cần và đủ để lấp đầy hành trang của mình sau khi tốt nghiệp” - TS Đỗ Văn Đỉnh chia sẻ.
Tác giả bài viết: laodong.vn
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Hình ảnh sinh viên tham gia thực tập, trải nghiệm tại Nhật Bản
Một số hình ảnh hoạt động tiếp sức mùa thi năm 2022 của sinh viên.