TRƯỜNG ĐẠI HỌC SAO ĐỎ - CƠ SỞ GIÁO DỤC ĐẠI HỌC THEO ĐỊNH HƯỚNG ỨNG DỤNG

CHẤT LƯỢNG TOÀN DIỆN - HỢP TÁC SÂU RỘNG - PHÁT TRIỂN BỀN VỮNG

Thứ ba - 04/05/2021 18:29
  •  

Hồ Chí Minh – Sáng ngời ý chí Việt Nam

Chủ tịch Hồ Chí Minh - người “Anh hùng giải phóng dân tộc, nhà văn hóa kiệt xuất của Việt Nam” là một nhà ái quốc chân chính, nhà cách mạng sáng suốt, vị lãnh tụ thiên tài. Cuộc đời và sự nghiệp cách mạng của Người gắn liền với lịch sử vẻ vang của dân tộc Việt Nam. Người đã cống hiến trọn đời mình cho sự nghiệp giải phóng dân tộc của nhân dân Việt Nam, góp phần vào cuộc đấu tranh chung của các dân tộc vì hòa bình, độc lập, dân chủ và tiến bộ xã hội.
Chủ tịch Hồ Chí Minh - Ảnh tư liệu
Chủ tịch Hồ Chí Minh - Ảnh tư liệu
Năm 1911, từ Bến nhà Rồng, chàng thanh niên Nguyễn Tất Thành bước lên con tàu với hai bàn tay trắng, với trái tim nặng nỗi đau mất nước, với ý chí lớn lao: "Mang hòa bình, độc lập về cho Tổ quốc và tự do về với mọi người dân" đã trở thành chuyến đi huyền thoại và là cột mốc quan trọng thay đổi vận mệnh nước nhà. Tình yêu quê hương, đất nước và gia đình đã hình thành nên người thanh niên với một nhân cách giàu lòng yêu nước, có hoài bão cứu nước cứu dân và thấu hiểu được sức mạnh của ý chí độc lập tự cường của dân tộc. Với một ý chí nghị lực phi thường, Người vừa lao động để kiếm sống, vừa học tập, nghiên cứu các học thuyết cách mạng.
Những năm từ 1911 đến 1920, Người đã đến nhiều nước ở châu Á, châu Âu, châu Phi, châu Mỹ đã tận mắt thấy cuộc sống khổ cực của nhân dân và những tội ác, thủ đoạn của chủ nghĩa thực dân, tham gia phong trào công nhân Pháp, tham gia “Hội những người Việt Nam yêu nước”. Bên cạnh đó, Người đã cùng với một số nhà yêu nước Việt Nam thảo ra bản Yêu sách của nhân dân An Nam lấy tên Nguyễn Ái Quốc gửi Hội nghị Vécxây đòi quyền tự do dân chủ cho nhân dân Việt Nam. Đây là tiếng nói chính nghĩa đầu tiên của đại biểu phong trào giải phóng dân tộc. Người khẳng định các dân tộc muốn được giải phóng chỉ có thể dựa vào sức của bản thân mình, Người viết: “Muốn được giải phóng, các dân tộc chỉ có thể trông cậy vào mình, trông cậy vào lực lượng của bản thân mình”.
Giai đoạn 1920 đến 1930, Người thành lập Hội liên hiệp các dân tộc thuộc địa và xuất bản báo “Người cùng khổ” (Le Paria) bằng tiếng Pháp. Trong bài Lời kêu gọi đăng ở số báo đầu tiên, Người cũng chỉ ra mục đích của tờ báo là đấu tranh để giải phóng con người. Người đã viết tác phẩm “Bản án chế độ thực dân Pháp” nhằm tố cáo tội ác của chủ nghĩa thực dân Pháp, nêu rõ nỗi thống khổ và sức mạnh của nhân dân các nước thuộc địa. Nguời thành lập “Việt Nam Thanh niên cách mạng đồng chí hội” mở lớp huấn luyện, đào tạo trực tiếp cán bộ cho cách mạng Việt Nam, ra báo “Thanh niên” bằng tiếng Việt. Đây là tờ báo cách mạng đầu tiên của Việt Nam nhằm truyền bá chủ nghĩa Mác- Lênin và lý luận cách mạng cho những người yêu nước. Cuốn “Đường Cách mệnh” của Người đề cập nhiều nội dung, nhiều vấn đề trong đường lối và phương pháp cách mạng Việt Nam và là một trong những văn kiện lý luận đầu tiên của Đảng, đặt cơ sở tư tưởng cho đường lối cách mạng Việt Nam sau này. Người khẳng định: “Lực lượng của giai cấp công nhân và nhân dân lao động là rất to lớn, là vô cùng vô tận. Nhưng lực lượng ấy cần có Đảng lãnh đạo mới chắc chắn thắng lợi” và chỉ rõ cách mạng Việt Nam phải có đảng lãnh đạo, có chủ nghĩa Mác-Lênin làm nòng cốt. Năm 1930, Người chủ trì Hội nghị hợp nhất ba tổ chức cộng sản, thành lập ra một Đảng Cộng sản thống nhất lấy tên là Đảng Cộng sản Việt Nam và thông qua Cương lĩnh chính trị đầu tiên của Đảng, mở đầu một thời kỳ mới trong lịch sử dân tộc.
Năm 1941, Người trở về Việt Nam sau 30 năm hoạt động ở nước ngoài để lãnh đạo cuộc đấu tranh giành độc lập cho nước nhà. Cách mạng tháng 8/1945 thành công, lật đổ chế độ phong kiến, lật đổ ách thống trị của thực dân Pháp và giành lại độc lập dân tộc từ tay phát xít Nhật. Đây là thắng lợi to lớn của dân tộc vừa là sự kế thừa truyền thống của cha ông ta trong lịch sử, vừa là sự tiếp thu, vận dụng sáng tạo của chủ nghĩa Mác-Lênin và sự lãnh đạo tài tình của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Một ngày tháng 8/1945, trên Quảng trường Ba Đình đầy nắng, Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc bản Tuyên ngôn Độc lập lịch sử, khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa: “Tất cả mọi người đều sinh ra bình đẳng. Tạo hoá cho họ những quyền không ai có thể xâm phạm được, trong những quyền ấy, có quyền được sống, quyền tự do và quyền mưu cầu hạnh phúc”. “Độc lập - tự do - hạnh phúc” đó luôn là mong ước lớn nhất của Bác dành cho nhân dân. Sau ngày thống nhất đất nước, bước qua những năm tháng dài của cuộc kháng chiến, đất nước ta bắt tay vào thực hiện di nguyện của Người.
Chủ tịch Hồ Chí Minh đã mở ra một thời đại mới trong lịch sử dân tộc Việt Nam – Thời đại độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội. Trong suốt chặng đường hoạt động cách mạng, Người đã vạch đường chỉ lối cho cách mạng Việt Nam đi từ thắng lợi này đến thắng lợi khác. Cuộc đời và sự nghiệp cách mạng vĩ đại của Người luôn là tấm gương sáng ngời cho chúng ta học tập và noi theo. Hướng tới kỷ niệm ngày sinh của Người, mỗi chúng ta cần cố gắng, nỗ lực hết mình, ra sức phấn đấu, rèn luyện, noi gương tấm gương đạo đức của Người để thực sự là người công dân có ích cho xã hội.
 

Tác giả bài viết: Phạm Thị Tâm

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây