TRƯỜNG ĐẠI HỌC SAO ĐỎ - CƠ SỞ GIÁO DỤC ĐẠI HỌC THEO ĐỊNH HƯỚNG ỨNG DỤNG

CHẤT LƯỢNG TOÀN DIỆN - HỢP TÁC SÂU RỘNG - PHÁT TRIỂN BỀN VỮNG

Thứ tư - 18/04/2018 23:29
  •  

Đạo đức của con người Việt Nam theo tư tưởng Hồ Chí Minh

Sinh thời, Hồ Chí Minh đã khẳng định “Đạo đức là gốc của người cách mạng”, “Người cách mạng phải có đạo đức cách mạng làm nền tảng, mới hoàn thành được nhiệm vụ cách mạng vẻ vang”. Người ví đạo đức là nguồn nuôi dưỡng và phát triển con người, như gốc của cây, ngọn nguồn của sông suối. Đạo đức cách mạng giúp con người vững vàng trước mọi thử thách, khi gặp khó khăn, gian khổ sẽ không rụt rè, lùi bước, khi thuận lợi, thành công vẫn giữ vững tinh thần, chất phác, khiêm tốn.
Những phẩm chất đạo đức của con người Việt Nam theo tư tưởng Hồ Chí Minh đó là: Trung với nước, hiếu với dân; Yêu thương con người, sống có nghĩa, có tình; Cần, kiệm, liêm, chính, chí công, vô tư; Tinh thần quốc tế trong sáng. Theo đó, “trung với nước, hiếu với dân” thể hiện quan điểm về mối quan hệ và nghĩa vụ của mỗi cá nhân với cộng đồng, đất nước. Mỗi cán bộ, đảng viên phải tuyệt đối trung thành với Đảng, với nhân dân và hơn hết phải “tận trung với Đảng, tận hiếu với dân”. Người lãnh đạo phải gắn bó với dân, gần dân, dựa vào dân, lấy dân làm gốc; phải nắm vững dân tình, hiểu rõ dân tâm, quan tâm cải thiện dân sinh, nâng cao dân trí,… Từ đó, giúp người dân hiểu rõ nghĩa vụ và quyền lợi của mình – người làm chủ đất nước.
Hồ Chí Minh coi yêu thương con người là phẩm chất đạo đức cao đẹp nhất. Nó xuất phát từ truyền thống nhân nghĩa của dân tộc, kết hợp với chủ nghĩa nhân văn của nhân loại, chủ nghĩa nhân đạo cộng sản. Yêu thương con người thể hiện mối quan hệ giữa những cá nhân trong quan hệ xã hội, người với người sống với nhau có tình có nghĩa. Yêu thương con người là giúp mỗi con người ngày càng tiến bộ, tốt đẹp hơn, làm mọi việc để phát huy sức mạnh của mỗi người, đoàn kết để phấn đấu cho đạt được mục tiêu "ai cũng có cơm ăn, áo mặc, ai cũng được học hành".
Bên cạnh đó, phẩm chất trung tâm của đạo đức, nền tảng của đời sống mới trong tư tưởng Hồ Chí Minh chính là “Cần, kiệm, liêm, chính, chí công, vô tư” thể hiện mối quan hệ “với tự mình”. “Cần – Kiệm” là phẩm chất của mỗi người lao động trong đời sống, trong công việc. Con người cần làm việc cần cù, siêng năng, lao động với tinh thần tự lực cánh sinh, coi lao động là nghĩa vụ thiêng liêng, là nguồn sống, nguồn hạnh phúc. Trong công luôn cố gắng tiết kiệm sức lao động, thời giờ, tiền của bản thân, của dân, của nước. Trong cuộc sống không xa hoa, lãng phí, không phô trương, hình thức.
“Liêm – Chính” là phẩm chất của người cán bộ khi thi hành nhiệm vụ. Người cán bộ phải sống trong sạch, luôn ngay thẳng, chính trực, luôn tôn trọng, giữ gìn của công, của dân, không tham địa vị, tiền tài, không ham hư vinh. Đối với mình không tự cao, tự đại; đối với người không nịnh trên, khinh dưới, luôn giữ thái độ chân thành, khiêm tốn, đoàn kết. Đối với việc thì để việc công lên trên, lên trước việc tư, việc nhà, việc thiện dù nhỏ mấy cũng làm, việc ác thì dù nhỏ mấy cũng tránh.
Chí công là công bằng, công minh, công tâm. Vô tư là không được có lòng riêng, thiên tư. “Chí công – Vô tư” là chuẩn mực của người lãnh đạo, người giữ cán cân công lý, không được vì lòng riêng mà chà đạp lên pháp luật. Người lãnh đạo nên “lo trước thiên hạ, vui sau thiên hạ”. Để làm được như vậy cần phải chiến thắng được chủ nghĩa cá nhân. Cần, kiệm, liêm, chính có quan hệ chặt chẽ với nhau và với chí công, vô tư. Cần, kiệm, liêm, chính sẽ dẫn đến chí công, vô tư. Ngược lại, đã chí công vô tư, một lòng vì nước, vì dân, vì Đảng thì nhất định sẽ thực hiện được cần, kiệm, liêm, chính.
Đoàn kết quốc tế trong tư tưởng Hồ Chí Minh là sự mở rộng những quan niệm đạo đức nhân đạo, nhân văn của Người ra phạm vi toàn nhân loại. Người quan niệm đoàn kết với nhân dân lao động các nước vì mục tiêu chung đấu tranh giải phóng con người khỏi ách áp bức, bóc lột; Đoàn kết quốc tế giữa những người vô sản toàn thế giới vì một mục tiêu chung, "bốn phương vô sản đều là anh em"; Đoàn kết với nhân loại tiến bộ vì hoà bình, công lý và tiến bộ xã hội; Đoàn kết quốc tế gắn liền với chủ nghĩa yêu nước. Chủ nghĩa yêu nước chân chính sẽ dẫn đến chủ nghĩa quốc tế trong sáng, chống lại mọi biểu hiện của chủ nghĩa sô vanh, vị kỷ, hẹp hòi, kỳ thị dân tộc...
Có thể thấy rằng, tư tưởng Hồ Chí Minh về đạo đức là một hệ thống các quan điểm cơ bản và toàn diện bao gồm: vị trí, vai trò, nội dung của đạo đức; những phẩm chất đạo đức cơ bản; những nguyên tắc xây dựng nền đạo đức mới cũng như yêu cầu rèn luyện đạo đức với mỗi người trên mọi lĩnh vực hoạt động. Tư tưởng đó đã trở thành kim chỉ nam cho những nguyên tắc đạo đức trong xã hội và trong đời sống mỗi con người Việt Nam mà bản thân Người là một tấm gương sáng ngời để chúng ta học tập và noi theo.
Chính vì vậy, trong những năm qua, được sự quan tâm và định hướng của Đảng bộ Trường Đại học Sao Đỏ nói chung và chi bộ khoa Điện tử - Tin học nói riêng, đội ngũ cán bộ, giảng viên khoa Điện tử - Tin học luôn quán triệt học tập, noi gương và làm theo tâm gương tư tưởng đạo đức của Người trong hoạt động giảng dạy, công tác phê bình và tự phê bình, đời sống gia đình. Trong đơn vị, lãnh đạo khoa cũng như mỗi cá nhân luôn quan tâm, chia sẻ, giúp đỡ, hỗ trợ nhau hoàn thành tốt nhiệm vụ, phấn đấu vì mục tiêu chung của khoa, nhà trường.

Tác giả bài viết: GV. Phạm Thị Tâm

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây