TRƯỜNG ĐẠI HỌC SAO ĐỎ - CƠ SỞ GIÁO DỤC ĐẠI HỌC THEO ĐỊNH HƯỚNG ỨNG DỤNG

CHẤT LƯỢNG TOÀN DIỆN - HỢP TÁC SÂU RỘNG - PHÁT TRIỂN BỀN VỮNG

Thứ năm - 03/03/2016 09:58
  •  

Người Thầy – xưa và nay

Truyền thống hiếu học, tôn sư trọng đạo vốn là nét đẹp văn hoá ngàn đời của dân tộc Việt Nam. Nét đẹp ấy đã được đúc kết thành những câu ca dao, thành ngữ như: “Nhất tự vi sư, bán tự vi sư”, “Không thầy đố mày làm nên”, “Muốn sang thì bắc cầu Kiều/Muốn con hay chữ thì yêu kính thầy”… lưu giữ theo chiều dài lịch sử của dân tộc để tỏ lòng trân trọng của xã hội dành cho nhà giáo.
Người Thầy – xưa và nay

Người Thầy – xưa và nay

           Trong xã hội phong kiến xưa, những người có học rất coi trọng. Vậy nên, nhiều nhà cơm không đủ ăn, áo không đủ mặc vẫn cố xin cho con được đến cửa thầy để học. Có người cho con học để mong đỗ đạt làm quan, có người chỉ mong con học để lĩnh hội được chữ thánh hiền để làm người, để giữ đạo nhà. Vì thế, những người có học thường có lối sống, cách ứng xử hợp đạo lý, một phần do thầy truyền dạy, một phần để giữ gìn cái thanh danh của người có học và thanh danh cho thầy. Người thầy giáo luôn luôn được sống trong vinh dự, tự hào về nghề nghiệp, trong cách nhìn quý giá của nhân dân. Họ luôn nhận được sự tôn trọng, yêu mến của học trò, của cha mẹ học sinh, của nhân dân và cả sự kính nể của giai cấp thống trị thời bấy giờ.
           Người thầy xưa là biểu tượng của sự hiểu biết và phẩm hạnh. Họ không chỉ giỏi về thơ phú, chữ nghĩa, mà còn giỏi bốc thuốc trị bệnh cứu người, xem đất đai, tướng số…  để dân làng lo làm những đại sự. Họ là những người học chữ "thánh hiền" nên họ luôn có ý thức trau dồi tài năng và giữ gìn phẩm cách. Vì vậy, xã hội luôn gửi gắm ở họ niềm tin về nhân cách, tài năng, luôn coi họ là chuẩn mực, là hình mẫu để vươn tới. Không những thầy giáo là chuẩn mực về nhân cách, mà vợ con, người nhà cũng phải hết sức giữ gìn về đạo đức, giữ gìn danh tiếng cho chồng, cho cha. Và dưới sự dạy bảo của thầy giáo, bao người đã trở thành người có học, được xã hội tôn trọng, có người đỗ đạt được làm quan, cùng với sự hiểu biết, đức độ của mình, uy tín của thầy giáo càng được khẳng định.
            Ngày ngay, Đảng và Nhà nước ta cũng đánh giá “Nghề dạy học là một nghề cao quý nhất trong những nghề cao quý, sáng tạo nhất trong những nghề sáng tạo”. Như Bác Hồ kính yêu đã từng nói: “Người thầy giáo tốt – thầy giáo xứng đáng là thầy giáo – là người vẻ vang nhất. Dù là tên tuổi không đăng trên báo, không được thưởng huân chương, song những người thầy giáo tốt là những anh hùng vô danh. Đây là một điều rất vẻ vang”.
           Xã hội phát triển và có nhiều sự thay đổi, vì thế  nghề dạy học cũng như  địa vị của người thầy cũng có nhiều thay đổi. Người thầy không còn chiếm vị trí “độc tôn” như xưa, mà nhiều ngành nghề, chức danh khác trong xã hội lần lượt xuất hiện, đôi khi trở thành “thời thượng”, là mục tiêu phấn đấu của lớp trẻ. Đã có thời lớp trẻ truyền nhau câu nói cửa miệng khi chọn nghề: “Nhất y, nhì dược, tạm được bách khoa, sư phạm cho qua”. Người thầy ngày nay không còn là “trung tâm” là “nơi cung cấp kiến thức duy nhất”, mà người học có thể học ở mọi lúc, mọi nơi qua sách, báo, internet… Trong nghề dạy học cũng đang chuyển sang phương pháp giáo dục hướng vào người học, “lấy học trò làm trung tâm”, là chủ thể. Đây cũng là sự tất yếu trong quá trình phát triển.
           Để đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa – hiện đại hóa đất nước, chúng ta đang cần đổi mới giáo dục một cách toàn diện, nên sẽ có nhiều thay đổi trong nghề dạy học. Những nhà giáo – những “Kỹ sư tâm hồn” với nghề dạy học được vinh danh là “Nghề cao quý nhất trong các nghề cao quý”, dù còn nhiều khó khăn, thiếu thốn trong cuộc sống nhưng vẫn luôn tâm niệm lời căn dặn của vị cha già kính yêu: “Dù khó khăn đến đâu cũng phải tiếp tục thi đua dạy tốt - học tốt”. 
           Xã hội càng phát triển, yêu cầu, đòi hỏi của nhân dân, của xã hội đối với đội ngũ nhà giáo càng cao. Tìm hiểu cái tâm, cái tài của thầy giáo xưa để các nhà giáo trẻ hôm nay nhìn lại mình, mà phấn đấu luyện rèn để cái tâm, cái tài trong nghề dạy học thời đại mới thêm đủ đầy. Để thực hiện lời dạy bảo của Bác:  “Non sông Việt Nam có trở nên tươi đẹp hay không, dân tộc Việt Nam có bước tới đài vinh quang, sánh vai với các cường quốc năm châu được hay không chính là nhờ một phần lớn ở công học tập của các em”. Được vậy chắc chắn truyền thống “tôn sư trọng đạo” của ông cha ta sẽ được truyền mãi đến muôn đời sau.

Tác giả bài viết: Giảng viên: Phạm Thị Tâm

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây