TRƯỜNG ĐẠI HỌC SAO ĐỎ - CƠ SỞ GIÁO DỤC ĐẠI HỌC THEO ĐỊNH HƯỚNG ỨNG DỤNG

CHẤT LƯỢNG TOÀN DIỆN - HỢP TÁC SÂU RỘNG - PHÁT TRIỂN BỀN VỮNG

Thứ năm - 09/11/2017 07:12
  •  

Tự hào nghề dạy học

Nghề dạy học là một nghề có từ xa xưa, nhưng cũng là một nghề tồn tại mãi mãi với sự phát triển của nhân loại. Một nghề mà người làm nghề  rất bình dị nhưng được rất nhiều người nhớ, không giàu sang nhưng rất cao quý và được học trò kính trọng gọi là thầy giáo. Trong tiềm thức của người dân Việt Nam người thầy là người khai tâm, khai trí, là người đã thức tỉnh và hình thành nhân cách cho học sinh. Chúng tôi – giáo viên trường Đại học Sao Đỏ, cũng là những người rất bình dị với bao bộn bề lo toan trong cuộc sống đời thường nhưng mang trong mình bầu nhiệt huyết và tinh thần trách nhiệm với sự nghiệp giáo dục của Nhà trường và nền giáo dục của nước nhà.
20c

Sinh thời cố thủ tướng Phạm Văn Đồng đã thay lời dân tộc khẳng định: “Nghề dạy học là nghề cao quý bậc nhất trong những nghề cao quý”. 
Đối với dân tộc Việt Nam – một dân tộc vốn có truyền thống tôn sư trọng đạo, cha ông ta cũng có câu:
“ Muốn sang thì bắc cầu kiều
Muốn con hay chữ phải yêu kính thầy”
Hay nhà văn Đôn-ki-xtôi – nhà giáo dục học người Nga đã từng nói “Dưới ánh hào quang của ánh sáng mặt trời, không có nghề nào cao quý bằng nghề dạy học”.
Eugene P. Bertin từng có câu: “Dạy học là đặt vết tích của một người vào sự phát triển của một người khác. Và chắc chắn học trò là ngân hàng nơi bạn có thể gửi kho báu quý giá nhất của bạn”. Đúng vậy, làm nhà giáo chỉ cho mà không bận lòng nghĩ đến nhận, là con ong chăm chỉ xây tổ gom mật cho đời, là cây thân mộc vươn mình trong nắng gió tỏa bóng mát cho người, là kiếp con tằm đến chết còn vương tơ. Và học sinh, sinh viên là những đứa trẻ nhỏ góp nhặt những công sức ấy để làm hành trang vững bước trên chặng đường khó khăn của mình.  Nghề dạy học là một nghề vô cùng cao quý, đào tạo nên nguồn nhân lực quyết định tới sự phát triển của đất nước. Không gì có thể sánh bằng công lao vất vả của những người thầy giáo, cô giáo trong sự nghiệp trồng người.
Trong hiện thực, nghề giáo thăng trầm còn nhiều nỗi gian nan. Nhưng nỗi gian nan muôn đời cũng là niềm hạnh phúc muôn đời của các thầy cô giáo là được cống hiến hết mình cho sự nghiệp trồng người.
20c1
Thầy Lê Văn Sơn trong hội thi Giảng viên dạy giỏi năm học 2016-2017
Có con đường nào đến thành công mà không qua những khổ công rèn luyện, phải trải biết bao gian lao, vất vả...trong những khó nhọc, chông gai đó, chính người thầy đã tiếp bước, đã thắp và giữ ngọn lửa niềm tin, ngọn lửa tri thức. Người thầy, với vai trò định hướng đã làm tròn trách nhiệm đưa từng học sinh qua sông bằng chính chiếc đò tri thức. Để từ đó, mỗi chúng ta phải vươn ra biển lớn bằng sức lực, bằng trí tuệ và bằng lời bảo ban của thầy cô.
Nghề giáo đã mang trong mình những trọng trách lớn lao theo năm tháng. Người thầy vẫn được tôn kính. Dẫu có đổi thay thì hình ảnh người thầy xưa và nay vẫn vậy, vẫn đức độ và tài năng.
Tháng 11 của một năm là mốc thời gian đặc biệt quan trọng trong mỗi thầy cô giáo, những người làm công tác giáo dục. Mốc thời gian mà mỗi người học sinh, sinh viên phải phấn đấu hết mình trong học tập để đạt những thành tích xuất sắc, những đoá hoa điểm mười tươi thắm dâng lên thầy cô kính yêu.
Nếu các bạn đến trường tôi, Trường Đại học Sao Đỏ các bạn sẽ gặp 386 con người – 386 trái tim đầy nhiệt huyết đang dõi theo sự nghiệp trồng người. Hãy trò chuyện với các thầy, cô giáo trường tôi, các bạn sẽ thấy một điều ở chúng tôi luôn có long nhiệt huyết,  phấn đấu không mệt mỏi, vượt qua những khó khăn trong cuộc sống đầy bộn bề, lo toan để có thể truyền cho các em những bài học, những kinh nghiệm sống và những kỹ năng bước vào đời.
Còn khi được hỏi về cuộc sống đang diễn ra, các thầy cô cũng đưa ra những cảm nhận riêng về nghề nghiệp: Có thầy, cô chia sẻ: “ Trách nhiệm nặng nề song thật...đáng yêu”. Có thầy, cô lại nói:  “Nếu bạn đang tìm kiếm một công việc mang đến niềm vui, sự thăng hoa cho mình thì nghề giáo sẽ cho bạn tất cả những cảm giác đó. Không chỉ dạy dỗ rập khuôn những điều trên sách vở, hướng các em làm theo lẽ phải… Là một giáo viên, bạn còn được giúp đỡ, khai trí cho tầng lớp trẻ trong xã hội cũng như khi bạn đào tạo một thế hệ người lao động cho tương lai”
20c2

 Còn nhiều lắm, nhiều lắm những nỗi niềm, song chúng tôi muốn khẳng định lại một điều: “Chúng tôi luôn yêu nghề giáo”. Cuối cùng, cho phép tôi được mượn bức thư của một học sinh gửi cho bạn, trong đó em đã nói về ước mơ làm cô giáo của mình, để ghi sâu lại những ký ức trong lòng mình về ước mơ nghề nghiệp:
“...Tớ sẽ mang ánh sáng cho trẻ em mù, mang giọng nói, lời ca cho trẻ em câm, mang âm thanh, những âm thanh nhẹ nhàng cho trẻ em điếc, mang tình thương cho trẻ mồ côi và sự trí tuệ cho các em nhỏ bình thường. Tớ sẽ đứng trên bục giảng giống như các cô giáo khác với những cặp mắt ngây thơ, ham học, chăm chú nghe tớ giảng bài. Tớ mong các học trò của tớ sẽ lớn lên bằng sự trí tuệ, sức lực của mình và văn minh lịch sự giống như con người Việt nam vậy”....

Chúng tôi sẽ mãi ghi nhớ những ngày tháng này, những ngày tháng cho chúng tôi được sống, được cống hiến hết mình cho sự nghiệp trồng người, vì sự phát triển nguồn nhân lực cho xã hội.

Tác giả bài viết: GV. Trương Văn Chúc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây