Đến giờ phút lịch sử 11h30 ngày 30 - 4-1975, khi lá cờ đỏ sao vàng tung bay trên nóc Phủ tổng thống ngụy, báo hiệu sự toàn thắng của chiến dịch Hồ Chí Minh. Tổ quốc linh thiêng đã hoàn toàn độc lập, non sông nối liền một dải, Bắc Nam sum họp một nhà. Điều đó đã một lần nữa khẳng định Việt Nam ta là một quốc gia thống nhất toàn vẹn về lãnh thổ mà không một quốc gia nào có quyền xâm phạm.
Thế nhưng trong những ngày đầu tháng 5/2014 trên tất cả phương tiện thông tin đại chúng trong và ngoài nước đều sôi sục đưa tin về việc Trung Quốc ngang nhiên hạ đặt trái phép giàn khoan Hải Dương 981 trong hải phận Việt Nam. Sự kiện này đã làm dấy nên một làn sóng bất bình đối với dư luận trong nước và quốc tế. Không dừng lại ở việc hạ đặt giàn khoan bất hợp pháp, nguy hiểm hơn các tàu chiến của Trung Quốc còn hung hãn tấn công tàu đánh cá của ngư dân Việt, phun vòi rồng vào các tàu cảnh sát biển của ta khiến cho nhiều ngư dân và lực lượng cảnh sát biển của ta bị thương nghiêm trọng. Chúng còn ngang nhiên xây dựng trường học và các đặc khu kinh tế tại đảo Gạc Ma, mở các cuộc tập trận trên Biển Đông nhằm mưu đồ xâm chiếm hai quần đảo có vị trí chiến lược của ta là Hoàng Sa và Trường Sa, xây dạp chiếu phim trên quần đảo Phú Lâm Hoàng Sa, xây dựng các tua du lịch ra Hoàng Sa... Đứng trước tình hình chính trị đang có những diễn biến phức tạp, bản thân tôi nhận thấy cần phải có trách nhiệm định hướng giáo dục tư tưởng cho thế hệ trẻ, đặc biệt là lực lượng Đoàn viên thanh niên trong việc bảo vệ chủ quyền biển đảo Tổ quốc.
Trường Sa - Hoàng Sa biển dảo của Việt Nam
Thực tế cho thấy, trong những ngày tình hình biển Đông diễn biến phức tạp, người dân Việt Nam ở trong nước cũng như kiều bào ở nước ngoài đã có nhiều cách thể hiện lòng yêu nước. Những vần thơ, bài hát về lính đảo, về biển đảo quê hương được sáng tác và biểu diễn nhiều hơn, đâu đâu cũng thấy lời ca “Nơi anh đến là biển xa, nơi anh tới ngoài đảo xa” ngân vang da diết; các chương trình truyền hình về Trường Sa, Hoàng Sa thân yêu được phát sóng nhiều hơn, nhiều chuyến đi thực tế được tổ chức. Trên các trang mạng xã hội, cộng đồng đã đồng loạt lấy hình ảnh cờ đỏ sao vàng 5 cánh làm hình đại diện để thể hiện lòng yêu nước và ý thức bảo vệ chủ quyền lãnh thổ mà cha anh đã lấy máu thân mình nhuộm thắm quốc kì non sông. Điều đó là minh chứng rõ nhất cho câu nói: “Dân ta có một lòng nồng nàn yêu nước”.
Bên cạnh những hành động yêu nước thiết thực thì cũng có không ít những hành động chưa đẹp của một số người dân do chưa nhận thức đúng đắn và bị kích động đã đập phá các công ty, xí nghiệp của Trung Quốc xây dựng trên đất nước ta, một số bạn trẻ đưa ra những lời bình xét chưa hay về hành động của Trung Quốc trên các trang mạng... Vậy làm thế nào để định hướng cho Đoàn viên thanh niên nhận thức đúng đắn vai trò của mình trong việc bảo vệ chủ quyền biển đảo Tổ Quốc? Đó là điều mà Công đoàn Giáo viên chúng tôi trăn trở. Cả nước đang hướng về biển đảo với tất cả tình yêu và sự quan tâm. Còn chúng ta, tuổi trẻ phơi phới thanh xuân, chúng ta cần làm gì để bày tỏ tình yêu với biển đảo quê hương? Theo tôi, có rất nhiều việc chúng ta có thể làm để thể hiện điều đó:
Trước hết, mỗi chúng ta cần nhận thức đầy đủ về vị trí, vai trò to lớn của biển đảo trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, đặc biệt là vị trí chiến lược về quốc phòng - kinh tế - xã hội của hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa đối với đất nước. Ta hãy làm một hành khách để có những trải nghiệm thật sự tuyệt vời trên hành trình đến với “Biển đảo quê hương". Để khám phá và cảm nhận, để thấy những cái tên đảo, tên người hiện ra sinh động. Để trở về với lịch sử cùng những địa danh, chiến tích và những cái tên đã góp phần khẳng định “Trường Sa - Hoàng Sa là của Việt Nam". Và hơn thế… để cảm nhận rõ hơn, đầy đủ hơn dáng dấp quê hương.
Từ sự khám phá cảm nhận đó, tình yêu sẽ đến dịu dàng: Đó là tình yêu dành cho những miền đất, dẫu ta chưa một lần đặt chân đến. Tình yêu với những con người ta chưa hề biết mặt. Yêu sự chân chất giản dị nhưng kiên quyết của những ngư dân đang ngày đêm bám biển làm giàu cho quê hương. Yêu cả những câu chuyện về biển đảo, về Trường Sa, Hoàng Sa…Và yêu vẻ đẹp kiên cường của anh bộ đội “gác trời khuya đảo vắng" - đứng trên “đầu sóng, ngọn gió” để “canh giữ đất trời”, bảo vệ sự bình yên cho Tổ quốc.
Mỗi người có thể trở thành 1 tuyên truyền viên giúp mọi người cùng hiểu, cùng nhau giữ gìn hải đảo - biên cương của Tổ quốc. Để đến một ngày…những cái tên như Trường Sa, Hoàng Sa, Phú Quốc... sẽ không còn gợi lên sự xa xôi với bất kỳ người dân Việt Nam nào. Để mỗi trẻ em trên khắp đất nước biết yêu hơn những câu hát về khơi xa. Những người trẻ hăm hở cống hiến nhiệt tình và sáng tạo, góp phần để Việt Nam trở thành quốc gia "Mạnh về biển - giàu lên từ biển".
Và quan trọng hơn hết, thế hệ trẻ hôm nay – chủ nhân đất nước, cần đóng góp sức mình bằng những việc làm cụ thể vào công cuộc xây dựng biển đảo quê hương. Hãy có những hoạt động hướng về biển đảo, giản dị thôi, ai trong chúng ta cũng có thể làm được. Gần gũi nhất là cùng nhau tham gia tích cực những cuộc vận động “Góp đá xây Trường Sa", “Viết thư gửi lính đảo Trường Sa”, “Vì biển đảo thân yêu”, “Triệu trái tim hướng về biển đảo Tổ quốc”, “Em yêu biển đảo Việt Nam”, “Vì biển xanh quê hương”… Tham gia phong trào thi ảnh, thi tìm hiểu về biển đảo Việt Nam với những nội dung thiết thực để được hun đúc thêm ý chí bảo vệ chủ quyền Tổ quốc trên biển của thanh thiếu niên trong cả nước.
Bản thân mỗi Đoàn viên thanh niên cần không ngừng học tập và tu dưỡng đạo đức để trở thành những con người có ích, làm chủ và bảo vệ toàn vẹn biên giới Tổ quốc xứng đáng với lời dạy của Bác Hồ kính yêu: “Các vua Hùng đã có công dựng nước, Bác cháu ta phải cùng nhau giữ lấy nước”. Tổ quốc linh thiêng sau 4000 năm chưa bao giờ ngơi nghỉ, dựng nước đã khó, giữ nước còn khó hơn nhiều vì thế trong mỗi chúng ta ngồi đây đều cần phải nêu cao tinh thần cảnh giác, đề phòng và sẵn sàng, chủ động đối phó với mọi âm mưu thù địch của kẻ thù để dải đất hình chữ S này mãi thắm đỏ trên bản đồ thế giới. Nhân đây, cho tôi được mượn lời thơ của nhà thơ Nguyễn Khoa Điềm trong chương thơ “Đất nước” thuộc trường ca “Mặt đường khát vọng”, xin gửi tới con dân đất Việt nói chung và đặc biệt là Đoàn viên thanh niên, những người trẻ, những mầm hoa tương lai của đất nước đôi lời nhắn nhủ:
“Em ơi ơi! Đất nước là máu xương của mình
Phải biết gắn bó và san sẻ
Phải biết hóa thân cho dáng hình xứ sở
Làm nên đất nước muôn đời”
Để rồi một ngày đi đến đâu gặp gỡ bạn bè quốc tế năm châu, ta cũng cất vang lời thơ tự hào:
“Ôi! Đất nước sau bốn nghìn năm đi đâu ta cũng thấy
Những cuộc đời đã hóa núi sông ta”
Thực tế cho thấy “Định hướng giáo dục tư tưởng cho Đoàn viên thanh niên trong việc bảo vệ chủ quyền biển đảo Tổ quốc” là một nhiệm vụ cấp thiết và chắc chắn sẽ còn rất nhiều khó khăn, thử thách ở phía trước. Chúng tôi mong rằng trong thời gian tiếp sẽ được sự quan tâm chỉ đạo nhiều hơn nữa của Ban thường vụ Tỉnh đoàn, Ban thường vụ đoàn trường, sự tương trợ của các đơn vị đoàn bạn để chúng tôi hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao.