TRƯỜNG ĐẠI HỌC SAO ĐỎ - CƠ SỞ GIÁO DỤC ĐẠI HỌC THEO ĐỊNH HƯỚNG ỨNG DỤNG

CHẤT LƯỢNG TOÀN DIỆN - HỢP TÁC SÂU RỘNG - PHÁT TRIỂN BỀN VỮNG

Thứ ba - 17/05/2016 11:16
  •  

Hội giảng - một hoạt động thiết thực trong đào tạo

Nâng cao chất lượng giờ giảng thông qua các kỳ hội giảng là một hoạt động thiết thực được Trường Đại học Sao Đỏ luôn quan tâm và duy trì hàng năm nhằm góp phần nâng cao chất lượng đào tạo của Nhà trường. Đây là một hoạt động chuyên môn, nghiệp vụ sâu rộng đã được bộ môn, khoa và nhà trường đưa vào mục tiêu chất lượng của năm học, là căn cứ để khẳng định chất lượng đào tạo của nhà trường.
        Thực tế cho thấy, kết quả thu được từ hoạt động hội giảng không chỉ đơn thuần là có được những giờ dạy xuất sắc mà quan trọng hơn nó còn thể hiện truyền thống của Nhà trường. Hội giảng cấp trường hàng năm là đợt sinh hoạt nhằm bồi dưỡng đối với toàn thể đội ngũ giảng viên, là cơ hội để đội ngũ giảng viên có dịp giao lưu, trao đổi kinh nghiệm về chuyên môn, nghiệp vụ, kỹ năng khai thác các thiết bị dạy học tiên tiến, xử lý các tình huống sư phạm nhằm không ngừng nâng cao năng lực giảng dạy. Đồng thời cũng là dịp để Nhà trường đánh giá một cách khách quan năng lực giảng dạy thực tế của đội ngũ giảng viên các bộ môn từ đó có định hướng trong công tác chỉ đạo các khoa có kế hoạch bồi dưỡng, nâng cao chất lượng giảng viên phù hợp với điều kiện và yêu cầu thực tế. Thông qua việc dự giảng đồng nghiệp, mỗi giảng viên sẽ rút ra được những kinh nghiệm bổ ích cho bản thân trong quá trình soạn giáo án và trình giảng cũng như thể hiện niềm đam mê dạy học và niềm vinh dự khi đứng trên bục giảng.
        Nhận thức được tầm quan trọng của hoạt động hội giảng, năm học 2015 – 2016, ngay từ học kỳ I khoa Điện tử Tin học đã chỉ đạo các bộ môn lập kế hoạch dự giờ với các giảng viên trực tiếp giảng dạy. Trong mỗi tiết dự giảng đều được chuẩn bị công phu về hồ sơ, phương tiện hiện đại, phương pháp giảng dạy mới phù hợp từng mục tiêu cần đạt được và thực hiện họp rút kinh nghiệm ngay sau tiết giảng. Qua mỗi lần dự giảng, các giảng viên đã khắc phục được hầu hết các tồn tại trong tiết giảng của mình và học hỏi được kinh nghiệm từ các góp ý chân thành, sâu sắc của đồng nghiệp làm chất lượng giờ giảng ngày một tăng cao.
        Kết quả khoa đã tuyển chọn được 2 giảng viên đủ điều kiện, có chuyên mô,  nghiệp vụ vững vàng và chọn bài, luyện giảng để tham gia hội giảng cấp cơ sở dự kiến diễn ra vào tháng 6 năm 2016. Xác định được tiết dạy hội giảng là tiết học mà ở đó người giảng viên phải phát huy được rõ vai trò chủ đạo của mình trong việc hướng dẫn sinh viên chủ động tiếp thu kiến thức. Đặc biệt, với việc sử dụng công nghệ thông tin trong tiết dạy, các giảng viên cần làm cho bài giảng  trở nên sinh động và  hấp dẫn hơn, thu hút sinh viên vào bài học nhằm khám phá, phát hiện vấn đề. Từ nhận thức đó, các giảng viên trong khoa đã xác định ngay trong khâu chuẩn bị,  khi chọn nội dung hội giảng nên chọn các nội dung vừa sức, phù hợp chuyên ngành, kiến thức logic và đặc biệt chuẩn bị được nội dung tự học và áp dụng. Bước tiếp theo là chuẩn bị hồ sơ đi liền với phương pháp và phương tiện giảng dạy, chú ý phương pháp giảng dạy tiên tiến lấy sinh viên làm trung tâm như thảo luận nhóm, giao nội dung cho sinh viên tự học hay chuẩn bị trước ở nhà. Các phương pháp, phương tiện chuẩn bị phải chủ động và kết hợp nhuần nhuyễn để nâng cao hiệu quả bài giảng. Tất cả bài giảng dùng trình chiếu đã được nghiệm thu nhưng để cho nó thực sự sống động với sinh viên là cả một công trình. Các giảng viên đã điều chỉnh cho phù hợp với từng tình huống xảy ra trong lớp để bài giảng thu hút hơn. Bên cạnh đó, việc chuẩn bị hồ sơ cũng phải chu đáo, phù hợp từ xác định mục tiêu, đặt tên và phân bổ thời gian cho từng tiểu mục vì nó quyết định đến sự thành công của tiết hội giảng. Ngoài việc chuẩn bị chu đáo còn phải vững vàng và sáng tạo trong nghệ thuật giảng dạy khi điều khiển lớp học. Hầu hết giảng viên đều có năng lực chuyên môn và kỹ năng sử dụng công nghệ dạy học hiện đại, tác phong chuẩn mực, tự tin và thân thiện, khi dạy học phải bám sát chuẩn kiến thức, kỹ năng phù hợp với đối tượng sinh viên. Bên cạnh việc phát huy mặt tích cực của các phương pháp và phương tiện dạy  học truyền thống, giảng viên phải vận dụng phương pháp dạy học nêu vấn đề và hướng dẫn sinh viên tự giải quyết vấn đề để nắm vững kiến thức. Đặc biệt các em được thực hành và liên hệ với thực tiễn để rèn luyện kỹ năng sống.
        Có thể nói, dạy học là cả một quá trình nghệ thuật, làm thế nào cho sinh viên hiểu bài một cách chủ động, tư duy nhanh đòi hỏi mỗi thầy cô phải có sự linh hoạt, nhạy bén trong quá trình chuyển tải kiến thức cho sinh viên bằng mọi phương pháp, hình thức dạy học. Chính vì vậy, khoa  Điện tử - Tin học xác định đây thực sự là hoạt động chuyên môn hết sức cần thiết trong Nhà trường, không chỉ có tác dụng với giảng viên trực tiếp giảng dạy mà còn đối với tất cả giảng viên tham gia dự giảng. Hoạt động hội giảng cần duy trì và nhân rộng, cùng với các hoạt động khác như nghiên cứu khoa học, giáo dục sinh viên nhằm nâng cao chất lượng đào tạo toàn diện của Nhà trường.

Tác giả bài viết: GV: Hoàng Thị Minh Hồng

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây