TRƯỜNG ĐẠI HỌC SAO ĐỎ - CƠ SỞ GIÁO DỤC ĐẠI HỌC THEO ĐỊNH HƯỚNG ỨNG DỤNG

CHẤT LƯỢNG TOÀN DIỆN - HỢP TÁC SÂU RỘNG - PHÁT TRIỂN BỀN VỮNG

Thứ ba - 17/05/2016 11:03
  •  

Kinh nghiệm bảo vệ đồ án tốt nghiệp

Bảo vệ đồ án tốt nghiệp được coi là một dấu mốc quan trọng trong cuộc đời đi học của mỗi người, kết thúc quãng đời sinh viên. Đây cũng là cơ hội để các bạn sinh viên rèn luyện kỹ năng thuyết trình và thể hiện mình. Những kinh nghiệm sau đây sẽ phần nào giúp ích cho các bạn sinh viên trong quá trình thực hiện đồ án tốt nghiệp.
        Vào tháng 5 hàng năm, khi những chùm phượng đầu tiên báo hiệu mùa hè đang đến cũng là lúc các sinh viên năm cuối các Trường Đại học tất bật với việc hoàn thành và bảo vệ đồ án/khóa luận tốt nghiệp của mình. Đây được coi là một dấu mốc quan trọng trong quãng đời sinh viên, đồng thời là cơ hội để sinh viên rèn luyện kỹ năng thuyết trình và thể hiện mình.
        Có thể hiểu, đồ án tốt nghiệp cũng tương đương với luận văn tốt nghiệp, nhưng khác với luận văn mang tính chất lý thuyết và nghiên cứu thì đồ án tốt nghiệp mang tính chất thực hành, có thể tạo thành sản phẩm phục vụ cho công việc nào đó ứng dụng trong thực tế. Đồ án tốt nghiệp thường gắn với sinh viên thuộc các khối ngành kỹ thuật.
        Để buổi bảo vệ đồ án được thành công thì công tác chuẩn bị là rất quan trọng và không thể thiếu. Bên cạnh việc làm đồ án một cách nghiêm túc, có kế hoạch, tiến độ cụ thể, công tác chuẩn bị sẽ trang bị cho sinh viên kiến thức trọng tâm trong đồ án của mình và củng cố sự tự tin khi thực hiện bảo vệ đồ án. Thông thường, các thầy cô sẽ cho một danh sách các đề tài để sinh viên lựa chọn. Sinh viên nên nghiên cứu, tìm hiểu sau đó chọn đề tài mà mình hứng thú và hiểu nhất, hoặc chọn đề tài có thể ứng dụng trong lĩnh vực mà mình quan tâm, hoặc giúp ích cho công việc mình muốn theo đuổi.
        Để chuẩn bị bảo vệ, sinh viên cần nghiên cứu kỹ nội dung bảo vệ, tóm tắt nội dung nghiên cứu và tập trình bày. Khi trình bày, cần nói sơ lược về đề tài một cách ngắn gọn, súc tích, rõ ràng. Về nội dung, tập trung trình bày rõ ràng những nội dung đã nghiên cứu, các số liệu chứng minh, nếu có thể trình bày sơ bộ các giải pháp, phương án… Không nên nói chung chung, nhắc lại những nguyên lý, lời giảng hoặc những câu nói trong giáo trình. Bên cạnh đó, nên chuẩn bị tư liệu như mẫu đồ án tốt nghiệp chi tiết, bản slide thuyết trình, bản vẽ, sản phẩm thực tế và dụng cụ thuyết trình để cung cấp cho Hội đồng nhưng thông tin đầy đủ và chính xác. Đồng thời, trang phục khi tham gia bảo vệ đồ án phải gọn gàng, lịch sự. Phần trình chiếu nên trình bày ngắn gọn trong khoảng thời gian từ 8 đến 10 phút. Với một khoảng thời gian ngắn như vậy, sinh viên cần trình bày ngắn gọn, tập trung vào những nội dung nổi bật, từ đó, chỉ ra cho Hội đồng bảo vệ thấy sự sáng tạo, nét riêng, nét độc đáo cũng như ý kiến, quan điểm của bạn trong việc tiếp cận giải quyết vấn đề của đồ án.
        Khi báo cáo, ngôn ngữ sử dụng cần đơn giản, tránh sử dụng các chủ ngữ như: ta, chúng ta, chúng em... hay sử dụng đại từ sở hữu “của em”,  giọng nói phải rõ ràng, rành mạch, đủ to, lý lẽ thuyết phục người nghe, đôi khi phải biết đặt câu hỏi để tự trả lời để tạo sự cuốn hút. Để có một bài thuyết trình hay cần kết hợp nhuần nhuyễn nhiều yếu tố như: giọng nói rõ ràng, truyền cảm, có hình ảnh minh họa sống động, khả năng ứng khẩu, dùng cử chỉ hỗ trợ lời nói, dùng ánh mắt thuyết phục…
        Trong quá trình bảo vệ, nếu đồ án có bản vẽ, sinh viên cần nghiên cứu bố trí và sắp xếp bản vẽ theo đúng trình tự cần trình bày để đảm bảo đi hết một vòng thì kết thúc nội dung báo cáo. Với những đồ án có mô hình hay sản phẩm thực tế, trong quá trình thuyết trình về đề tài cần phải nói đến đâu chỉ vào mô hình thực tế đến đấy để tạo tính thiết thực.
        Phần trình chiếu là nội dung mà sinh viên chỉ ra cho Hội đồng bảo vệ thấy những gì mà bạn đã làm và nghiên cứu. Nhưng nội dung vô cùng quan trọng mang tính quyết định kết quả bảo vệ đó là phần trả lời câu hỏi của các thành viên Hội đồng bảo vệ. Các thầy cô sẽ đánh giá sự hiểu biết và sự tâm huyết của sinh viên đối với đồ án của mình thông qua các câu trả lời. Khi nhận được câu hỏi từ thành viên Hội đồng bảo vệ, nên ghi chép lại và suy nghĩ kỹ trước khi trả lời để đưa ra được câu trả lời thuyết phục Hội đồng. Nên phân loại câu hỏi và tập trung trả lời theo nhóm vấn đề. Khi nghiên cứu trả lời câu hỏi tập trung để hiểu vấn đề của câu hỏi đặt ra trước, sau đó mới triển khai các ý chính, không nên trả lời lan man, dài dòng. Nếu không rõ câu hỏi, có thể hỏi lại. Khi trả lời, sinh viên không nhất thiết trả lời theo trình tự câu hỏi mà Hội đồng bảo vệ đưa ra, nên trả lời câu hỏi theo nhóm vấn đề mà mình đã phân loại.
        Đối với bất kỳ giải pháp nào đưa ra trong đồ án cũng đều có ưu và nhược điểm. Do vậy khi Hội đồng bảo vệ đưa ra nhưng ý kiến phản biện lại giải pháp đã nêu, sinh viên nên bảo vệ những ý kiến của mình và nhìn nhận, tiếp thu nếu những ý kiến phản bác của Hội đồng là đúng và hoàn thiện thêm giải pháp của mình.
        Bảo vệ đồ án/khóa luận tốt nghiệp là mốc quan trọng và không thể thiếu trong quãng đời mỗi sinh viên. Hy vọng những kinh nghiệm trên đây có thể giúp các bạn sinh viên cuối khóa có được kết quả cao nhất trong buổi bảo vệ đồ án tốt nghiệp của mình.

Tác giả bài viết: GV: Nguyễn Ngọc Diệp

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây