TRƯỜNG ĐẠI HỌC SAO ĐỎ - CƠ SỞ GIÁO DỤC ĐẠI HỌC THEO ĐỊNH HƯỚNG ỨNG DỤNG

CHẤT LƯỢNG TOÀN DIỆN - HỢP TÁC SÂU RỘNG - PHÁT TRIỂN BỀN VỮNG

Thứ năm - 03/03/2016 09:59
  •  

Lịch sử ngày Nhà giáo Việt Nam

Dân tộc ta có truyền thống “Tôn sư trọng đạo”, nét đẹp ấy đã được bao thế hệ người Việt Nam kế thừa và phát triển. Và mỗi năm, khi gần đến ngày 20-11 trong lòng bao thế hệ học sinh – sinh viên lại dâng lên những cảm xúc khó tả, những mong nhớ, nuối tiếc về một thời đi học đã qua, những kỷ niệm với những thầy cô, bạn bè cũ, sự biết ơn và lòng kính trọng đối với các thầy cô giáo đã và đang dạy dỗ mình. Ngày 20/11 – ngày “quốc tế hiến chương các Nhà giáo” đã đi vào tư tưởng, tiềm thức của những thế hệ trẻ Việt Nam từ những ngày đầu đến trường, đến lớp. Chúng ta vẫn hiểu “ngày 20/11 là ngày Nhà giáo Việt Nam” là ngày chúng ta tỏ tấm lòng nhớ đến những người thầy, người cô đã từng dạy dỗ chúng ta. Nhưng có mấy bạn trẻ hiểu được nguồn gốc của ngày đáng kính ấy?
Lễ kỷ niệm ngày Nhà giáo Việt Nam 20-11 tại trường Đại học Sao Đỏ

Lễ kỷ niệm ngày Nhà giáo Việt Nam 20-11 tại trường Đại học Sao Đỏ

          Cách đây trên 1/3 thế kỷ vào tháng 7/1946, một tổ chức quốc tế các nhà giáo tiến bộ được thành lập ở Paris đã lấy tên là Liên hiệp quốc tế các công đoàn giáo dục (tiếng Pháp: Fédération Internationale Syndicale des Enseignants – FISE). Nǎm 1949, tại một hội nghị ở Warszawa (thủ đô của Ba Lan), Liên hiệp quốc tế các công đoàn giáo dục đã ra bản “Hiến chương các nhà giáo” gồm 15 chương. Năm 1958, trong Hội nghị quốc tế các nhà giáo họp tại Warszawa từ 26 đến 30/8/1957 đã thống nhất lấy ngày 20/11 hằng năm là ngày “Quốc tế hiến chương các nhà giáo”.
            Là thành viên chính thức của FISE từ năm 1953, nghị quyết của hội nghị đã nhanh chóng được Công đoàn giáo dục Việt Nam phổ biến đến các trường học, cơ sở quản lý giáo dục miền Bắc và đồng bào, giáo giới, học sinh miền Nam. Và ngày quốc tế hiến chương các nhà giáo được tổ chức lần đầu tiên là ở miền Bắc nước ta. Sau này, khi miền Nam hoàn toàn giải phóng, dưới sự quan tâm của các cấp ủy Đảng, chính quyền cùng sự cổ vũ của các tầng lớp nhân dân, hàng năm ngày 20/11 đã được tiến hành tổ chức trong cả nước.
            Ngày 20/11 dần khắc sâu vào tâm trí, tư tưởng và tình cảm của mọi người. Chính vị vậy, mặc dù thế giới không còn tổ chức ngày hiến chương các nhà giáo nữa, nhưng các hoạt động kỷ niệm ngày 20/11 vẫn được tổ chức đều đặn hàng năm và trở thành hoạt động tự giác của mọi tầng lớp nhân dân Việt Nam. Ngày 20/11 trước tiên là ngày toàn bộ đội ngũ nhà giáo cùng với cán bộ ngành giáo dục biểu thị sự nhất trí hoàn toàn với đường lối cách mạng của Đảng, với các chủ trương lớn của nhà nước và lời dạy của Bác Hồ kính yêu. Đó cũng là chúng ta động viên viên cổ vũ các thầy cô giáo thực hiện tốt đường lối và chủ trương giáo dục của Đảng và nhà nước, là ngày biểu dương khen thưởng thành tích của các thầy cô giáo.
           Sinh thời, chủ tịch Hồ Chí Minh thường viết thư gửi cho ngành giáo dục để thăm hỏi, động viên cũng như nhấn mạnh vai trò của nền giáo dục nói chung và của người giáo viên nói riêng. Như trong “Thư gửi anh chị em giáo viên bình dân học vụ” vào tháng 5/1946 Người đánh giá rất cao vị trí, vai trò của giáo dục và đào tạo, vai trò của người thầy giáo. Người viết: “Anh chị em là những người “vô danh anh hùng”. Tuy vô danh nhưng rất hữu ích. Một phần tương lai của dân tộc nước nhà nằm trong sự cố gắng của anh chị em”;... “để mở mang tri thức phổ thông cho đồng bào, để xây đắp nền văn hóa sơ bộ cho đân tộc”;...“cái vinh dự đó thì tượng đồng, bia đá nào cũng không bằng”. Trong thư gửi giáo viên, học sinh, cán bộ thanh niên và nhi đồng ngày 31/10/1955 Người viết: “Đại học thì cần kết hợp lý luận khoa học với thực hành, ra sức học tập lý luận và khoa học tiên tiến của các nước bạn, kết hợp với thực tiễn của nước ta”. Trong thư gửi các học sinh nhân ngày khai trường đầu tiên ở nước Việt Nam dân chủ cộng hòa vào tháng 9/1945, Người đã viết: “…từ giờ phút này giở đi các em bắt đầu nhận được một nền giáo dục hoàn toàn Việt Nam…, một nền giáo dục làm phát triển hoàn toàn những năng lực sẵn có của các em”… Đọc những bức thư của Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi ngành giáo dục, nhìn lại quá trình phát triển của giáo dục nước nhà, suy ngẫm về sự nghiệp đổi mới căn bản và toàn diện nền giáo dục sắp trong những năm qua, chúng ta thấy những lời dạy của Người đối với ngành giáo dục có ý nghĩa thực tiễn rất sâu sắc, mãi mãi soi đường cho giáo dục phát triển. 
          Từ một nhiệm vụ quốc tế, ngày 20/11 đã dần dần chuyển thành ngày hội truyền thống nhà giáo Việt Nam. Học sinh – sinh viên cả nước đã hưởng ứng ngày 20/11 hàng năm bằng những hoạt động, phong trào thi đua lập thành tích, cố gắng học tập, rèn luyện đạo đức… để tỏ lòng quý mến, biết ơn thầy cô. Các cấp chính quyền, đoàn thể, các bậc phụ huynh học sinh cũng nhân ngày này thăm hỏi các thầy cô giáo, tổ chức trao đổi với các giáo viên về nghiệp giáo dục thế hệ trẻ.
          Dựa trên cơ sở thực tế của những ngày 20/11 đã qua, Quyết định số 167-HĐBT ngày 28/9/1982 của Hội đồng Bộ trưởng đã lấy ngày 20/11 từ nay làm ngày nhà giáo Việt Nam, quyết định này là hoàn toàn phụ hợp với nguyện vọng của đội ngũ các nhà giáo. Nó có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, thể hiện quan điểm của Đảng, nhà nước về vị trí vai trò của nhà giáo trong sự nghiệp đào tạo lớp người mới xây dựng chủ nghĩa xã hội bảo vệ tổ quốc. Để ghi nhận công lao, đề cao vị trí xã hội và động viên khuyến khích các nhà giáo, ngày 30/5/1985 chủ tịch hội đồng nhà nước đã ký lệnh công bố pháp lệnh quy định giải thưởng Hồ Chí Minh và giải thưởng nhà nước cho các công trình thuộc lĩnh vực khoa học – kỹ thuật, văn hoá nghệ thuật và pháp lệnh quy định danh hiệu vinh dự nhà nước “Nhà giáo nhân dân”, “Nhà giáo ưu tú” để tặng các cô nuôi dạy trẻ, giáo viên mẫu giáo, giáo viên phổ thông, giáo viên bổ túc văn hoá, giáo viên dạy nghề, cán bộ giảng dạy đại học, cao đẳng và trung học chuyên nghiệp… có thành tích xuất sắc. Chính vì lẽ đó, hàng năm các hoạt động kỷ niệm ngày 20/11 luôn trở thành hoạt động sôi nổi trong các cơ sở ngành giáo dục và các thế hệ học trò cả nước thường tổ chức đến thăm hỏi, chúc mừng các thầy cô giáo của mình để tỏ lòng quý mến, tri ân đến các thầy cô. Và điều này dần trở thành một nét đẹp văn hóa truyền thống của dân tộc ta như ngày nay./.

Tác giả bài viết: Giảng viên: Vũ Trí Võ

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây