TRƯỜNG ĐẠI HỌC SAO ĐỎ - CƠ SỞ GIÁO DỤC ĐẠI HỌC THEO ĐỊNH HƯỚNG ỨNG DỤNG

CHẤT LƯỢNG TOÀN DIỆN - HỢP TÁC SÂU RỘNG - PHÁT TRIỂN BỀN VỮNG

Thứ năm - 08/12/2016 11:01
  •  

Một số vấn đề trình bày tham luận

Việc tổ chức đại hội, hội nghị là một hoạt động không thể thiếu hàng năm của các tổ chức chính trị, xã hội, các đơn vị hành chính, sự nghiệp. Thực tế cho thấy, với sinh viên thì không phải em nào cũng biết cách viết và trình bày ý kiến tham luận của mình như trong các kỳ đại hội lớp, chi đoàn…một cách hiệu quả. Trong bài viết này, tôi muốn chia sẻ một số gợi ý về viết và trình bày bài tham luận mà bản thân đã tổng hợp, hy vọng ít nhiều giúp ích cho các bạn lần đầu tham gia.
Theo bách khoa toàn thư: “Tham luận là một hình thức văn nghị luận dùng để nêu lên một quan điểm, luận chứng của người viết để cung cấp các thông tin chuyên sâu về một lĩnh vực tự nhiên hoặc xã hội, đưa ra các yêu cầu, kiến nghị, giải pháp để phân tích, bổ sung hay phản bác một vấn đề nào đó và thường dùng trình bày trước một hội thảo hay hội nghị. Tham luận có thể được trình bày dưới dạng báo cáo tham luận và thường dung lượng không quá dài so với các báo cáo hay các bài nghị luận, chuyên khảo khác”.
          Chủ đề tham luận có thể được chỉ định sẵn hay tự chọn. Nếu phải tự chọn nội dung thì cách tìm ý tưởng tốt cho bài tham luận cũng là một khó khăn khi bắt đầu viết tham luận. Để thực hiện điều này, bạn chỉ cần thực hiện theo công thức dưới đây, bạn sẽ tìm được ý tưởng viết tham luận phù hợp nhất.
  • Nắm chắc chủ đề của hội thảo, hội nghị mà bạn tham gia và thu thập tất cả các thông tin, tài liệu liên quan đến chủ đề đó.
  • Đọc kĩ, phân tích tất cả những dữ liệu thu thập được, tìm ra một vấn đề bạn cho là nổi bật nhất.
  • Đánh giá mức độ quan trọng của vấn đề đó, phân tích vấn đề và bắt đầu viết.
Cách viết một bài tham luận cũng giống như một bài văn nghị luận, bao giờ cũng có các phần:
  • Đặt vấn đề: Nêu một cách tổng quát, súc tích, cô động nhất về vị trí, vai trò, ý nghĩa và tầm quan trọng của vấn đề được nêu ra. Thông qua đặt vấn đề, người nghe sẽ biết bạn đang đề cập đến vấn đề gì và hướng xử lý như thế nào?
  • Thực trạng vấn đề: Phải đưa ra được tính cấp thiết, quan trọng của đề tài mà bạn viết, đưa ra minh chứng cụ thể để tăng tính thuyết phục. Trong phần này đánh giá cả mặt thuận lợi, khó khăn, những ưu điểm, hạn chế của vấn đề.
  • Nguyên nhân: Phân tích được tại sao lại xảy ra thực trạng trên một cách khách quan, tập trung vào nguyên nhân của những khó khăn, hạn chế. Kết luận vấn đề trên có ảnh hưởng gì xấu hay tốt tới tình hình thực tế hay không, nếu tiếp diễn thì sẽ như thế nào?
  • Phương hướng giải pháp: Đưa ra cách thức giải quyết vấn đề thật hiệu quả, rõ ràng, khái quát thành bài học kinh nghiệm để giải quyết vấn đề đạt hiệu quả cao. Để vấn đề tiếp tục được giải quyết hiệu quả thì những việc cần tập trung làm trong thời gian tiếp theo (tính phát triển) là gì?
  • Kết luận: Khẳng định tính cần thiết của vấn đề đặt ra, hiệu quả/ tính khả thi của các giải pháp nêu ra. Đề xuất, kiến nghị (nếu có) để vấn đề nêu ra được quan tâm, giải quyết hiệu quả hơn.
Trong quá trình viết tham luận, phải thể hiện được các đặc điểm sau:
  • Tính thời sự: Tham luận là bài viết nêu lên một vấn đề trước hội nghị để hội nghị thảo luận vì vậy trong tham luận luôn đặt ra những vấn đề cần giải quyết hoặc cần nêu lên để hội nghị, hội thảo thấy được hiện trạng, vấn đề đặt ra.
  • Tính tham khảo: Do bài tham luận dùng để nêu lên một chủ đề trong cuộc họp, hội thảo nên nó phải đưa ra những thông tin có ích và có trọng tâm, không giống như một báo cáo theo kiểu liệt kê, dàn trải mà tham luận phải có tính chọn lọc và khái quát các vấn đề.
  • Tính phản biện: Vì tham luận nêu lên quan điểm của người viết nên trong bài tham luận luôn có những ký kiến đồng tình hay phản bác về một vấn đề nào đó, cách giải quyết hiện tại hay đồng tình hoặc không đồng tình trước những ưu điểm, khuyết điểm nào đó.
  • Tính đề xuất: Trong bài tham luận, khi tham gia vào một vấn đề nào đó, tác giả ngoài có ý kiến riêng của mình phải nêu được những đề xuất, giải pháp, phương pháp để giải quyết những vấn đề mình đưa ra. Tham luận thường có dẫn chứng cụ thể minh chứng cho thành công khi áp dụng những giải pháp đã đưa ra nhằm thuyết phục người nghe.
          Những lưu ý khi viết một bài tham luận:
  • Trình bày một bài tham luận phải thật khoa học, mạch lạc chặt chẽ.
  • Ngôn ngữ tham luận phải phù hợp với chủ đề được chọn.
  • Không biểu lộ cảm xúc cá nhân trong bài viết.
Những đặc điểm này trong tham luận có thể không tách rời mà lồng ghép vào nhau, bổ sung lẫn nhau. Các phần của một bài tham luận đã nêu ở trên cũng phải linh hoạt, không nên máy móc. Tùy thuộc vào yêu cầu cụ thể của mỗi vấn đề tham luận, thời gian khống chế cho bài phát biểu tham luận mà thêm hoặc bớt nội dung (nhưng bắt buộc phải có phần giải pháp) hoặc thay đổi thứ tự các phần cho phù hợp.Việc đưa ra quan điểm của bản thân về vấn đề nào đó thực sự không khó, tuy nhiên phụ thuộc vào độ sâu thông tin khai thác được và sự logic trong bài tham luận mà các bạn viết và trình bày trước hội thảo sao cho đạt hiệu quả nhất.

Tác giả bài viết: Phạm Thị Hường

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây