TRƯỜNG ĐẠI HỌC SAO ĐỎ - CƠ SỞ GIÁO DỤC ĐẠI HỌC THEO ĐỊNH HƯỚNG ỨNG DỤNG

CHẤT LƯỢNG TOÀN DIỆN - HỢP TÁC SÂU RỘNG - PHÁT TRIỂN BỀN VỮNG

Thứ năm - 27/09/2018 09:17
  •  

Trải nghiệm sáng tạo – Hoạt động phát huy tính tích cực của sinh viên

Hoạt động trải nghiệm sáng tạo là hoạt động giáo dục nhằm phát triển những phẩm chất nhân cách, kỹ năng sống, năng lực tâm lý xã hội giúp con người có thể thích nghi, thích ứng với xã hội, làm chủ bản thân, biết sống tích cực và hạnh phúc...
Đây là những mặt vô cùng quan trọng để tạo nên cuộc sống có ý nghĩa của mỗi cá nhân. Trong hoạt động trải nghiệm sáng tạo, dưới sự hướng dẫn và tổ chức của giáo viên, học sinh, sinh viên được tham gia trực tiếp vào các hoạt động thực tiễn khác nhau của đời sống gia đình, nhà trường cũng như ngoài xã hội với tư cách là chủ thể của hoạt động. Qua đó phát triển năng lực thực tiễn, phẩm chất nhân cách và phát huy tiềm năng sáng tạo của cá nhân.
Hoạt động học tập trải nghiệm sáng tạo được tiến hành song song với hoạt động dạy học trong Nhà trường, là một bộ phận của quá trình giáo dục được tổ chức ngoài giờ học các môn văn hóa ở trên lớp và có mối quan hệ bổ sung, hỗ trợ cho hoạt động dạy học. Đây được coi là chìa khóa thực hiện việc học đi đôi với hành, học qua làm, học giải quyết các vấn đề thực tiễn trong cuộc sống ngay trong lớp, trong trường. Đồng thời, là phương pháp thật sự ưu việt cho sự phát triển năng lực sáng tạo, giúp sinh viên tự chiếm lĩnh kiến thức, hình thành các kĩ năng, giá trị và phẩm chất của bản thân. Bên cạnh đó, các em còn được bày tỏ quan điểm ý tưởng và lựa chọn ý tưởng của chính mình. Do vậy đã tạo sự thích thú hứng khởi cho sinh viên, giúp các em thể hiện rõ năng lực của mình qua các hoạt động trải nghiệm sáng tạo trong các môn học.
Hoạt động trải nghiệm sáng tạo được tổ chức dưới nhiều hình thức khác nhau như hoạt động câu lạc bộ, tổ chức trò chơi, diễn đàn, sân khấu tương tác, tham quan dã ngoại, các hội thi, hoạt động giao lưu, hoạt động nhân đạo, hoạt động tình nguyện, hoạt động cộng đồng, sinh hoạt tập thể, lao động công ích, sân khấu hóa (kịch, thơ, hát, múa rối, tiểu phẩm, kịch tham gia,...), thể dục thể thao, tổ chức các ngày hội,... Mỗi hình thức hoạt động đều mang ý nghĩa giáo dục nhất định.
Hiện nay, Trường Đại học Sao Đỏ đã và đang áp dụng mạnh mẽ việc tổ chức học tập dưới dạng hoạt động trải nghiệm sáng tạo cho sinh viên. Qua đó giúp sinh viên mạnh dạn, tự tin và tích cực, chủ động hơn trong các hoạt động học tập cũng như tham gia vào các hoạt động của Nhà trường. Sau đây có thể kể đến một số hình thức tổ chức hoạt động trải ngiệm sáng tạo và đặc trưng của nó mà Nhà trường đang thực hiện:
Hoạt động câu lạc bộ - Đây là hình thức sinh hoạt ngoại khóa của những nhóm sinh viên có cùng sở thích, nhu cầu, năng khiếu,... dưới sự định hướng của  Nhà trường nhằm tạo môi trường giao lưu thân thiện, tích cực giữa các sinh viên với nhau và giữa sinh viên với thầy cô giáo. Qua đó tạo cơ hội để sinh viên được chia sẻ những kiến thức, hiểu biết của mình về các lĩnh vực mà các em quan tâm, qua đó phát triển các kĩ năng như: kĩ năng giao tiếp, kĩ năng lắng nghe và biểu đạt ý kiến, kĩ năng trình bày suy nghĩ, ý tưởng, kĩ năng viết bài, kĩ năng chụp ảnh, kĩ năng hợp tác, làm việc nhóm, kĩ năng ra quyết định và giải quyết vấn đề,...

Tổ chức trò chơi - Đây là một loại hình hoạt động giải trí, thư giãn; là món ăn tinh thần nhiều bổ ích và không thể thiếu được trong cuộc sống con người nói chung, đối với sinh viên nói riêng. Trò chơi là hình thức tổ chức các hoạt động vui chơi với nội dung kiến thức thuộc nhiều lĩnh vực khác nhau, có tác dụng giáo dục “chơi mà học, học mà chơi” như các trò chơi: “Bịt mắt xúc sữa chua”, “Cắn táo”, “Di chuyển bóng bằng ngực”,…
Tổ chức diễn đàn - Đây là một hình thức tổ chức hoạt động được sử dụng để thúc đẩy sự tham gia của sinh viên thông qua việc các em trực tiếp, chủ động bày tỏ ý kiến của mình với đông đảo bạn bè, nhà trường, thầy cô giáo, cha mẹ và những người lớn khác có liên quan. Diễn đàn là một trong những hình thức tổ chức mang lại hiệu quả giáo dục thiết thực. Tại Trường Đại học Sao Đỏ, sinh viên định kỳ được tham gia các buổi đối thoái với lãnh đạo Nhà trường, giao ban an ninh… Thông qua diễn đàn, sinh viên có cơ hội bày tỏ suy nghĩ, ý kiến, quan niệm hay những câu hỏi, đề xuất của mình về một vấn đề nào đó có liên quan đến nhu cầu, hứng thú, nguyện vọng của các em. Đồng thời, cũng là dịp để các em biết lắng nghe ý kiến, học tập lẫn nhau.
Tổ chức các hội thi/cuộc thi - Đây là một trong những hình thức tổ chức hoạt động hấp dẫn, lôi cuốn sinh viên và đạt hiệu quả cao trong việc tập hợp, giáo dục, rèn luyện và định hướng giá trị cho tuổi trẻ. Hội thi mang tính chất thi đua giữa các cá nhân, tập thể luôn hoạt động tích cực để vươn lên đạt được mục tiêu mong muốn thông qua việc tìm ra người/đội thắng cuộc. Chính vì vậy, tổ chức hội thi cho sinh viên là một yêu cầu quan trọng, cần thiết của giáo viên, của Nhà trường trong quá trình tổ chức hoạt động trải nghiệm sáng tạo.
a1

Tham quan, dã ngoại - Đây là một hình thức tổ chức học tập thực tế hấp dẫn đối với sinh viên. Mục đích là để các em được đi thăm, tìm hiểu và học hỏi kiến thức, tiếp xúc với các di tích lịch sử, văn hóa, công trình, nhà máy... ở xa nơi các em đang sống, học tập, giúp các em có được những kinh nghiệm thực tế, từ đó có thể áp dụng vào cuộc sống của chính các em. Nội dung tham quan, dã ngoại có tính giáo dục tổng hợp đối với học sinh như: Giáo dục lòng yêu thiên nhiên, quê hương, đất nước, giáo dục truyền thống cách mạng, truyền thống lịch sử, truyền thống của Đảng, của Đoàn, của Đội Thiếu niên Tiền phong Hồ Chí Minh.
lniem1
 
lniemhong
 
d1

Tổ chức sự kiện - Đây là một hoạt động tạo cơ hội cho sinh viên được thể hiện những ý tưởng, khả năng sáng tạo của mình, thể hiện năng lực tổ chức hoạt động, thực hiện và kiểm tra giám sát hoạt động. Thông qua hoạt động tổ chức sự kiện sinh viên được rèn luyện tính tỉ mỉ, chi tiết, đầu óc tổ chức, tính năng động, nhanh nhẹn, kiên nhẫn, có khả năng thiết lập mối quan hệ tốt, có khả năng làm việc theo nhóm, có sức khỏe và niềm đam mê. Đồng thời, thể hiện được sức bền cũng như khả năng chịu được áp lực cao của bản thân. Ngoài ra, các em còn phải biết cách xoay xở và ứng phó trong mọi tình huống bất kì xảy đến.
Hoạt động giao lưu - Đây là một hình thức tổ chức giáo dục nhằm tạo ra các điều kiện cần thiết để cho sinh viên được tiếp xúc, trò chuyện và trao đổi thông tin với những nhân vật điển hình trong các lĩnh vực hoạt động nào đó. Qua đó, giúp các em có tình cảm và thái độ phù hợp, có được những lời khuyên đúng đắn để vươn lên trong học tập, rèn luyện và hoàn thiện nhân cách.
t3


Hoạt động chiến dịch - Đây là hình thức tổ chức không chỉ tác động đến sinh viên mà tới cả các thành viên cộng đồng. Nhờ các hoạt động này, sinh viên có cơ hội khẳng định mình trong cộng đồng, qua đó hình thành và phát triển ý thức "mình vì mọi người, mọi người vì mình". Đồng thời, tăng cường sự hiểu biết và sự quan tâm của sinh viên đối với các vấn đề xã hội như vấn đề môi trường, an toàn giao thông, an toàn xã hội,... giúp sinh viên có ý thức hành động vì cộng đồng; tập dượt cho sinh viên tham gia giải quyết những vấn đề xã hội; phát triển một số kĩ năng cần thiết như kĩ năng hợp tác, kĩ năng thu thập thông tin, kĩ năng đánh giá và kĩ năng ra quyết định.
a13
 
h2

Hoạt động nhân đạo - Đây là hoạt động tác động đến trái tim, tình cảm, sự đồng cảm của sinh viên trước những con người có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn. Thông qua đó các em biết đến những hoàn cảnh khó khăn của những khác trong cộng đồng, giúp các em được chia sẻ những suy nghĩ, tình cảm và giá trị vật chất của mình với những thành viên trong cộng đồng, giúp các em biết quan tâm hơn đến những người xung quanh từ đó giáo dục các giá trị cho sinh viên như: tiết kiệm, tôn trọng, chia sẻ, cảm thông, yêu thương, trách nhiệm, hạnh phúc,...
 

Tác giả bài viết: GV. Phạm Thị Tâm

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây