TRƯỜNG ĐẠI HỌC SAO ĐỎ - CƠ SỞ GIÁO DỤC ĐẠI HỌC THEO ĐỊNH HƯỚNG ỨNG DỤNG

CHẤT LƯỢNG TOÀN DIỆN - HỢP TÁC SÂU RỘNG - PHÁT TRIỂN BỀN VỮNG

Thứ ba - 08/11/2016 23:06
  •  

Đạo Thầy Trò

Ngày 20/11 lại đến trong tim người Việt nói chung và những người thầy nói riêng, bao cảm xúc chợt ùa về, đan xen nhiều niềm vui và không ít nỗi buồn. Trong dòng suy nghĩ của mình, tôi lật ngược thời gian trở về quá khứ. Trong mỗi em sinh viên tôi tìm được trong đó ánh mắt chứa chất đầy nội lực, sự biết ơn chân thành, những khát khao học tập, rèn luyện để ngày mai lập nghiệp hay những ánh mắt ngơ ngác, những vẻ mặt lạnh lùng lẩn tránh như chưa tìm thấy mục tiêu cho mình. Mỗi em có một hoàn cảnh sống, một tính cách, một quan niệm bản thân và mục tiêu sống khác nhau. Nhưng đều có một điểm chung là học tập dưới mái trường Đại học Sao Đỏ, ai cũng có những kỷ niệm vui, buồn với người thầy, người cô đã, đang và sẽ dìu dắt  họ và các thế hệ tiếp theo đến bến bờ tri thức, và trong số đó, có những người thể hiện tình cảm của mình theo các cách khác nhau. Nhưng đạo thầy – trò thời nay khác xưa hay do con người ta chưa chấp nhận nó?
Xã hội phát triển, đôi khi người ta dùng vật chất để đo giá trị cuộc sống mà quên rằng có những cái còn cao quý hơn cả nó, có những món quà không mang giá trị về vật chất nhưng lại đem đến niềm vui, niềm hạnh phúc lớn lao cho người nhận. Đó không phải là những lời khen có cánh mà khi con người sống và bày tỏ tình cảm với nhau chân thật hơn. Tình cảm thầy trò là thứ tình cảm thiêng liêng nhất trong cuộc sống này bởi nó không hề dựa trên bất cứ một hình thức trục lợi nào, nó chân thật và thanh khiết vô cùng, nó là cảm xúc chân thật, là tình thương, là lòng biết ơn và yêu quý giữa thầy với trò xuất phát từ tấm lòng. Thầy dạy dỗ, truyền đạt kiến thức và giúp đỡ người học học tập cũng như rèn luyện nhân cách và phẩm chất con người. Học trò dành tình cảm, lòng biết ơn cũng như thái độ kính trọng của mình với thầy.
Tình nghĩa thầy trò không chỉ được thể hiện trong giảng đường mà còn cả ở bên ngoài, nó vô cùng cao cả. Thầy là người yêu thương, day dỗ hướng ta đến một cuộc sống tốt đẹp hơn. Thầy luôn tận tâm và là người dẫn đường cho ta, cũng chính nhờ có thầy mà chúng ta có thể trở thành những người có ích cho xã hội. Thầy là người không đòi hỏi bất cứ những gì ở học trò của mình chỉ mong rằng học trò của mình có thể thành tài và trở thành một con người tốt cho xã hội. Người học trò là người nhận được biết bao tình yêu thương của thầy dành cho, cũng chính vì thế mà ở mỗi học trò cũng đều cảm nhận được tấm lòng cao cả ấy và trả lại bằng những tình cảm trong sáng, thiết tha của bản thân dành cho thầy.
Mối quan hệ thầy – trò từ xưa đến nay luôn được trân trọng như thế bởi những giá trị tốt đẹp về tư tưởng, tình cảm và đạo đức. Nhưng nhiều người cho rằng mối quan hệ ấy đang ngày một lung lay khi lối sống hiện đại xuất hiện. Tình cảm đã được thay thế bằng quà tặng nhưng nó không còn là sự tri ân, lời cảm ơn chân thành như lời nói
. Có học trò vào lớp, lăm lăm trên tay tờ giấy thu quỹ: “đóng quỹ nhé, sắp 20/11”  và vài lời hỏi đáp qua lại của một số thành viên sau câu nói đó. Nghe trò nói, cô đắng lòng và tim đau thắt. Món quà có thể thể hiện tình cảm của học trò với thầy cô giáo nhưng cách tặng quà và thể hiện tình cảm còn có giá trị hơn nhiều. Thầy cô cũng là người, vẫn phải lo toan cho cuộc sống nhưng không vì thế mà cho phép mình bị xem thường. Ngày 20/11, thầy cô có những cô cậu học trò cũ đến thăm hay chỉ là những tấm thiệp, tin nhắn chúc mừng khi các em không có mặt, có niềm vui nào lớn hơn khi học trò cũ vẫn còn nhớ tới mình. Lương tâm và trách nhiệm của một nhà giáo chân chính thì không có món quà nào có thể sánh bằng sự tiến bộ hàng ngày của những học trò mà mình đang hết lòng dạy dỗ, bằng những tình cảm chân thật bên trong mỗi con người, phải chăng, chỉ có thứ tình cảm đó mới bền chặt qua mọi thời đại. 
Để mối quan hệ thầy – trò đi đúng theo chuẩn mực đạo đức và truyền thống của dân tộc, chúng ta phải tăng cường truyền thống, khôi phục lại những giá trị tốt đẹp trong quan hệ thầy trò. Khuyến khích sự cởi mở, trao đổi của học sinh nhưng vẫn phải duy trì một chuẩn mực nhất định giữa thầy và trò.
 
 

Tác giả bài viết: GV. Phạm Thị Hường

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây