TRƯỜNG ĐẠI HỌC SAO ĐỎ - CƠ SỞ GIÁO DỤC ĐẠI HỌC THEO ĐỊNH HƯỚNG ỨNG DỤNG

CHẤT LƯỢNG TOÀN DIỆN - HỢP TÁC SÂU RỘNG - PHÁT TRIỂN BỀN VỮNG

Thứ sáu - 04/11/2016 00:01
  •  

Tháng 11 – Tri ân thầy cô!

Cứ mỗi khi đến ngày 20-11 chúng ta lại bắt gặp hình ảnh những học sinh, sinh viên với bó hoa tươi thắm, nụ cười rạng rỡ gửi đến thầy, cô lời chúc tốt đẹp. Những người đã trưởng thành cũng bớt chút thời gian về thăm thầy cô, thăm mái trường xưa. Một nét đẹp văn hóa đã trở thành truyền thống của dân tộc Việt Nam nhằm tôn vinh nghề giáo và gửi lời tri ân những nhà giáo.
Thời gian cứ trôi để lại trong chúng ta những ký ức, những niềm vui, nỗi buồn về một thời cắp sách đến trường. Đôi khi những bộn bề của cuộc sống làm con người ta quên đi những hình ảnh về mái trường, thầy cô và bạn bè, nhưng có một điều chắc chắn là những hình ảnh ấy vẫn luôn trong tim mỗi người. Và hàng năm, cứ đến tháng 11, những ký ức ấy lại trở nên mạnh mẽ hơn bao giờ hết.
Trong chúng ta, ai cũng còn nhớ những lời căn dặn, những cái vỗ vai và cả những lời răn đe nghiêm khắc của thầy cô khi học trò mắc phải lỗi. Những sự quan tâm, chỉ bảo ân cần của thầy cô để đưa học trò đến với kho tàng tri thức. Ngày 20/11 – ngày “Hiến chương các Nhà giáo” đã đi vào tư tưởng, tiềm thức của những thế hệ trẻ Việt Nam từ những ngày đầu đến trường, đến lớp, là ngày hội truyền thống nhà giáo Việt Nam. Đồng thời, 20/11 còn là ngày để học sinh – sinh viên cả nước tỏ lòng quý mến, biết ơn đến thầy cô - những chiến sỹ chiến đấu không ngừng nghỉ trên mặt trận tri thức bằng những hoạt động, phong trào thi đua lập thành tích, cố gắng học tập, rèn luyện đạo đức….
Bên cạnh đó, 20/11 cũng là ngày nhắc chúng ta nhớ về những người thầy của mình trước những bộn bề của cuộc sống. Những thành công mà ta có được hôm nay và mai sau là cả một sự tận tâm, tận tụy của những người thầy, người cô với hy vọng có thể truyền dạy cho chúng ta những điều hay, lẽ phải , cũng như phương pháp để chúng ta tiếp cận và đến với kho tàng tri thức rộng lớn của nhân loại. Và món quà hạnh phúc nhất mà thầy cô muốn nhận lại đó chính là thành công của mỗi học trò trên con đường lập thân, lập nghiệp.
Nghề giáo - nghề cao quý nhất trong những nghề cao quý. Sinh thời, trong “Thư gửi anh chị em giáo viên bình dân học vụ” vào tháng 5/1946 , chủ tịch Hồ Chí Minh – vị cha già kính yêu của dân tộc đã đánh giá rất cao vị trí, vai trò của giáo dục và đào tạo, vai trò của người thầy giáo. Người viết: “Anh chị em là những người “vô danh anh hùng”. Tuy vô danh nhưng rất hữu ích. Một phần tương lai của dân tộc nước nhà nằm trong sự cố gắng của anh chị em”;... “để mở mang tri thức phổ thông cho đồng bào, để xây đắp nền văn hóa sơ bộ cho đân tộc”;...“cái vinh dự đó thì tượng đồng, bia đá nào cũng không bằng”. Thầy cô - những người lái đò thầm lặng, đưa chúng ta đến bến bờ của tương lai, giúp đỡ cho chúng ta vượt qua những con đường chông gai đang còn nằm ở phía trước. Rồi đây, chúng ta ai cũng phải rời xa mái trường, nhưng vẫn ở đó miệt mài bên những trang giáo án, bụi phấn và bảng đen là thầy cô giáo đang ngày đêm tận tụy trang bị cho học trò  kiến thức và hành trang để bước vào đời. Có những lúc mệt mỏi nhưng khi lên lớp học trò luôn chỉ nhìn thấy nụ cười trên môi thầy cô.
Chúng ta - những học trò đang còn ngồi trên ghế Nhà trường cần biết ơn sự hy sinh của thầy cô nhiều lắm. Những bài giảng không chỉ là kiến thức mà còn là sự tâm huyết, nỗi vất vả và lòng yêu thương vô bờ bến của thầy cô. Có thể nói, lớp học như là gia đình thứ hai của chúng ta mà ở đó thầy cô chính là cha mẹ. Rồi mai đây khi chúng ta phải bước đến một nơi rộng lớn hơn, sẽ có nhiều những áp lực của cuộc sống và những vấp ngã, khó khăn trên đường đời cần phải vượt qua. Khi đó, nhớ đến những lời thầy cô dạy dỗ sẽ là sức mạnh để chúng ta có dũng khí tiếp tục đứng dậy và vượt qua mọi khó khăn.
Nhân dịp ngày 20-11 chúng em xin tỏ lòng biết ơn và gửi đến thầy cô những lời chúc tốt đẹp nhất!
 

Tác giả bài viết: SV. Lê Thị Ngọc Yến DK4 CNTT

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây