TRƯỜNG ĐẠI HỌC SAO ĐỎ - CƠ SỞ GIÁO DỤC ĐẠI HỌC THEO ĐỊNH HƯỚNG ỨNG DỤNG

CHẤT LƯỢNG TOÀN DIỆN - HỢP TÁC SÂU RỘNG - PHÁT TRIỂN BỀN VỮNG

Thứ năm - 03/03/2016 10:01
  •  

Người lái đò thầm lặng

Những ngày hè ve ngân rả rích rồi cũng qua đi. Sau những ngày nắng hạ, các em lại đến trường trong làn nắng trong trẻo của mùa thu. Nhìn tà áo bay, nhìn trang sách mới học trò. Biết lòng ai bâng khuâng, rộn rã. Không phải chỉ của các em đâu, mà của chính chúng tôi – Những nguời đang ngày đêm bên trang giáo án.
 Lật giở từng trang giáo án, ngắm nhìn từng đàn học trò ngày dần trưởng thành mới thấy thấm thía câu nói của Comenki: “Dưới ánh mặt trời, không có nghề nào cao quý bằng nghề dạy học”. Bởi nếu dưới ánh thái dương, cây cối sẽ trở nên cứng cáp, dẻo dai, đâm chồi nảy lộc. Hoa sẽ nở, quả sẽ chín và từng đàn chim sẽ hót vang để ca tụng mặt trời. Thì dưới bàn tay người thầy, những “mầm non” sẽ được ươm lên đầy hi vọng và tình yêu cuộc sống.
Người thầy quan trọng như thế đấy! Bởi chúng ta đâu chỉ lao động với sự khéo léo bằng bàn tay của người thợ lành nghề để làm ra những sản phẩm với những chiếc khuôn có sẵn. Mà chúng  ta là những người lái đò, dù sóng to gió cả, thì chiếc thuyền nan nhỏ bé của người thầy vẫn vững vàng tay lái, cất cao tiếng hát đò đưa, đưa các chuyến đò đầy vơi, đưa các thế hệ học trò cập bến tương lai. Khi trả lại sự yên bình cho dòng sông, khi trả lại cho đời những mầm xanh tràn đầy sức sống, người thầy lại trở lại bến xưa, bỗng thấy mình tóc đã điểm thêm vài sợi bạc tự bao giờ.
         Trải qua bao thăng trầm của đời người, đời nghề. Những người lái đò vất vả ấy vẫn giữ được sự thanh bạch của riêng mình. Như lời cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng từng nói: “Các thầy cô giáo, họ không chỉ dạy chữ mà còn dạy làm người, họ cứ như cây thông trên sườn núi, cây quế trong rừng sâu thầm lặng tỏa hương dâng hiến trí tuệ cho đời.” Ta ngưỡng mộ những người thầy đã hi sinh cả tuổi trẻ của mình như những cánh hoa ban nơi rừng xa dạy chữ cho những em nhỏ vùng cao. Ta cũng yêu xiết bao khi biết bao những bàn tay thầy cô không chỉ là người dạy mà còn là người chăm sóc, nâng niu những tuổi thơ côi cút. Ta trân trọng biết bao nhiêu với những người thầy tận tụy sớm chưa trong những trung tâm tật nguyền để dạy cho những trẻ em khuyết tật có thể mạnh mẽ vươn lên hòa nhập vào cuộc sống... Vẫn còn nhiều lắm những cánh hoa rừng không biết tên, những cây thông không rõ tuổi vẫn đang miệt mài theo đuổi những giấc mơ của những trẻ em nghèo, bất hạnh.
         Quả thật, “Nghề giáo là nghề cao quý nhất trong những nghề cao quý”, bởi “giáo dục” luôn là “quốc sách hàng đầu”. Nguồn nhân lực của tương lai, sự phát triển của đất nước phụ thuộc vào giáo dục. Thế nên không có gì có thể sánh nổi nỗi vất vả của thầy cô trong sự nghiệp trồng người. Sự trăn trở ben những trang giáo án, sau mỗi trang vở học trò và mỗi bài thi mà thầy trả ngày mai, trán thầy lại hằn sâu thêm những nỗi ưu tư. Cứ thế, thầy dành hết tâm lực của mình để đem trí thức, đem tuổi xuân và những bài học làm người gieo lên những mầm cây mới, để thế hệ này nối tiếp thế hệ kia, lớn lên sang sông thành những cây đời rợp bóng.
         Trong thời đại mới, người thầy lại đứng trước những thách thức mới để bắt kịp với tốc độ phát triển như vũ bão của Khoa học công nghệ. Người thầy lại tự làm mới mình khi phải tự trang bị thêm những kĩ năng mới để giúp mỗi chuyến đò sang sông. Các em không chỉ có kiến thức, không chỉ có niềm tin mà ác em có thêm những tri thức thời đại số để bắt kịp bước tiến của xã hội và thế giới. Để đến khi các em đã vững bước trên đường đời. Các em nhớ tới chúng tôi, những bóng hình ầm thầm gieo hạt giống tương lai!
Ngày 20-11 đang tới gần trong niềm vui dạt dào và niềm tự hào của mỗi chúng tôi – Những nhà giáo chức. Vốn đơn thuần chỉ là ngày hội của “Cánh Nhà giáo” nay đã trở thành ngày hội của cả dân tộc với tinh thần “Hiến chương các Nhà giáo Việt Nam” mới thấy Đảng, Nhà nước và nhân dân đã quan tâm tới ngành ta như thế nào. Người thầy như thấy rõ hơn sự quý mến của học trò, sự tin tưởng của nhân dân và trọng trách của mình với xã hội và đất nước. Trước tình cảm ấy, ta như tự hứa với mình. Hãy cống hiến hết mình để hoàn thành thiên chức cao quý của Nhà giáo – Thiên chức “trồng người”.

Tác giả bài viết: Tác giả: Ths. Bùi Thị Trang

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây