Hiến máu là một hành động cao cả, là một trong những nghĩa cử cao đẹp của con người với con người và là truyền thống tương thân tương ái “ Thương người như thể thương thân” của nhân dân Việt Nam. Hiến máu không gây ảnh hưởng đến sức khỏe, thậm chí còn có một số tác động nhất định đối với cơ thể của người hiến máu. Lượng máu đã hiến sẽ được cơ thể nhanh chóng tái tạo phục vụ cho quá trình tuần hoàn. Hiến máu không mất nhiều thời gian và sức lực nhưng rất cần thiết cho xã hội bởi nếu không có máu, không có các chế phẩm máu an toàn, nhiều biện pháp điều trị hiện đại cũng khó có thể được triển khai và áp dụng thành công.
- Hiến máu nhân đạo, những lợi ích trước mắt và lâu dài. Nếu bạn cắt đi một cành cây, chỉ ít lâu sau thôi tại chỗ đó sẽ mọc lên 2 ngọn cây mới. Đừng lo lắng vì lượng máu mình đã mất đi sau khi hiến. Mỗi lần cho máu là mỗi lần cơ thể bạn được kích thích quá trình tái tạo máu mới. Vì vậy hãy cố gắng kết hợp ăn uống và sinh hoạt điều độ, sức khoẻ bạn sẽ tăng lên rất nhiều đấy. Tham gia hiến máu cũng là một cách để bạn kiểm tra sức khoẻ. Một lượng máu nhỏ của bạn sẽ được đem đi xét nghiệm và kết quả sẽ được gửi về an toàn cho bạn. Nhờ đó bạn có thể biết rõ thực trạng của mình để có những biện pháp kịp thời nhất. Nếu bạn tham gia hiến máu, sau này, lỡ có chuyện không hay xảy ra, bạn hoàn toàn có quyền được cấp một lượng máu vừa đủ cho mình mà không phải trả bất cứ chi phí nào. Hiến máu nhiều lần giống như việc dự trữ máu cho mình vậy.
- Hiến máu nhân đạo, một nghĩa cử cao đẹp, chỉ cần hiến một phần máu của mình, bạn đã cứu được tính mạng của các người bệnh đang cần đến máu. Việc hiến máu nhân đạo là hết sức ý nghĩa và không có hại cho sức khỏe nếu chúng ta thực hiện đúng quy trình. Và điều quan trọng là để hoạt động này trở thành thường xuyên, cần rất lớn sự đồng cảm, chia sẻ, ý thức trách nhiệm, thể hiện nghĩa cử cao đẹp của từng cá nhân với xã hội và đất nước.
Thật quý báu và tuyệt vời biết bao khi biết một lượng máu của mình đã góp phần cứu sống một con người. Chắc chắn bạn sẽ không bao giờ quên được cảm giác tự hào ấy. Chính từ những nhận thức đó mà mỗi lần Ban chỉ đạo vận động hiến máu nhân đạo phát động là mỗi lần có hàng trăm đoàn viên thanh niên trường Đại Học Sao Đỏ nô nức đến đăng kí tình nguyện hiến máu. Trên gương mặt ai cũng hân hoan một nụ cười tươi sáng và hạnh phúc. Hạnh phúc vì thấy mình đủ khoẻ mạnh để cứu giúp những người yếu hơn. Hạnh phúc khi nhìn thấy hiển hiện vẻ ngưỡng mộ của những người xung quanh khi cánh tay mình đưa ra cho dòng máu thanh niên Việt Nam chảy từ cơ thể mình vào cơ thể một người khác trong nay mai. Hạnh phúc khi tưởng tượng rằng đâu đó trên đất nước này dòng máu của mình đang hoà chung trong một, thậm chí một vài người đã từng được mình cứu sống. Hạnh phúc khi được sẻ chia. Hạnh phúc khi biết mình vừa làm một điều có ích cho xã hội. Với những ý nghĩa đó, hiến máu nhân đạo còn hơn cả một nghĩa cử cao đẹp.
Sau khi tham gia hiến máu bạn sẽ cầm trên tay một tờ giấy rực rỡ ghi nhận sự đóng góp đáng quý của bạn với xã hội. Đó là một niềm tự hào lớn của bạn trước mọi người. Không phải ai cũng có thể cho máu. Trước khi tiến hành cho máu bạn phải qua một cuộc kiểm tra sức khoẻ lâm sàng để đảm bảo bạn đủ cân nặng, huyết áp bình thường, không bị các bệnh về tim mạch hoặc các bệnh truyền nhiễm qua máu..v..v.. Được hiến máu là được tự hào mình là người khoẻ mạnh bạn ạ. Và bạn có biết vì sao các chương trình hiến máu nhân đạo thường tập trung hướng vào tầng lớp đoàn viên thanh niên Việt Nam? Bởi máu của chúng ta là máu “sạch”. Bởi chúng ta được giáo dục và sinh hoạt trong môi trường lành mạnh, ít tệ nạn xã hội. Chúng ta tự hào là những đoàn viên thanh niên Việt Nam được sống và hoạt động trong môi trường trong sáng và lành mạnh nhất.
Chúng ta đang sống trong một cộng đồng mình vì mọi người, mọi người vì mình, ai cũng muốn được làm từ thiện nhưng không phải ai cũng có thể hiến máu nhân đạo được. Để được hiến máu, cần nắm chắc những tiêu chuẩn và quyền lợi của người tình nguyện hiến máu nhân đạo sau đây:
Tiêu chuẩn: tất cả mọi người khoẻ mạnh
+ Nữ tuổi từ 18 – 55
+ Nam từ 18 – 60. Nam được hiến tối đa 4 lần trong một năm. Nữ được hiến tối đa 3 lần trong một năm
+ Cân nặng trên 45 kg, người trên 50kg có thể hiến mỗi lần trên 350ml máu; không mắc các bệnh lây lan do đường truyền máu, không có các bệnh tim mạch, hô hấp, gan, thận, dị ứng… và bệnh thiếu máu. Phụ nữ không mang thai, cho con bú hoặc đang hành kinh. Người không bị mất trí hoặc đã cắt phủ tạng (dạ dầy, gan, lách).
+ Mạch từ 60 – 90 nhịp/phút
+ Huyết áp thấp và huyết áp cao không được hiến máu.
+ Cho máu cách nhau giữa lần trước, lần sau ít nhất phải là 12 tuần lễ.
Hiến máu theo đúng hướng dẫn sẽ không có hại cho sức khoẻ vì:
- Các thành phần máu chỉ có đời sống nhất định và được thay thế hàng ngày.
- Cho đi dưới 1/10 lượng máu trong cơ thể thì không ảnh hưởng tới sức khoẻ.
Người hiến máu tình nguyện có những quyền lợi sau:
- Máu sẽ được hoàn trả cho bản thân người hiến máu khi có nhu cầu;
- Được xét nghiệm máu miễn phí;
- Người hiến máu tình nguyện sẽ được tư vấn miễn phí, đảm bảo bí mật về thông tin cá nhân;
- Được cấp giấy chứng nhận hiến máu tình nguyện;
- Được tặng quà có ý nghĩa nhân đạo;
- Được hỗ trợ một phần chi phí đi lại;
- Có ăn nhẹ tại chỗ cho người tham gia hiến máu;
- Người hiến máu nhiều lần và người vận động được nhiều người hiến máu được biểu dương khen thưởng.
Những người không được hiến máu bao gồm:
- Người có quan hệ với gái mại dâm, có quan hệ tình dục với nhiều bạn tình;
- Người nghiện, tiêm chích ma tuý;
- Người bị nhiễm HIV/AIDS;
- Người bị bênh tim mạch, ung thư, thần kinh, nhiễm siêu vi gan B,C…;
Người hiến máu nhân đạo luôn được an toàn vì: dụng cụ thu gom máu chỉ được dùng một lần. Quy trình kỹ thuật lấy máu đảm bảo đúng quy định của ngành y tế.
Những điều bạn cần biết khi đi hiến máu:
- Đêm trước không nên thức quá khuya;
- ăn nhẹ, không nên uống rượu bia trước khi hiến máu;
- Mang theo chứng minh thư nhân dân hoặc thẻ hiến máu khi tham gia hiến máu;
- Chuẩn bị tâm lý ổn định thoải mái…
Lưu ý:
Sau khi hiến máu phải giữ chế độ sinh hoạt ăn uống, sinh hoạt bình thường. Hạn chế các hoạt động gắng sức đòi hỏi nhiều thể lực như: đá bóng, tập thể hình, không leo trèo cao, không thức quá khuya, không uống rượu bia. Tăng cường sử dụng các chất dinh dưỡng bổ máu: thịt, gan, trứng, sữa; dùng thêm các thuốc cung cấp sắt nếu có thể. Hạn chế sử dụng rượu bia trong ngày đầu sau khi hiến máu.
Hưởng ứng phong trào hiến máu ngày 28 tháng 10 năm 2016, Liên chi đoàn khoa Điện tử - Tin học đăng ký tham gia nhiệt tình: Có 10 thầy cô đăng ký tham gia, các chi đoàn đều đăng ký lớn hơn 50%, tổng số sinh viên tham gia là 130 sinh viên.
Cho máu tự nguyện là một hành động cao cả nói lên sự văn minh, biểu hiện về lòng nhân ái của một con người, một đất nước, một xã hội. Hãy hiến máu để chia sẻ với những người không may mắn và cho tương lai của mỗi chúng ta.Với thông điệp “Mỗi giọt máu cho đi, một cuộc đời ở lại” để có nhiều hơn nữa niềm hy vọng cho sự sống, ai cũng có thể hiến máu, dù đó là người già hay người trẻ, người nghèo hay người giàu, là nam hay nữ, là bất cứ thành viên nào, hãy hiến máu một lần để có thể cứu sống nhiều người bệnh, mang lại niềm vui, hạnh phúc cho gia đình họ, giúp ngành y tế bớt khó khăn về tình trạng thiếu máu khi cần cứu chữa người bệnh bằng truyền máu. Và mỗi người trong chúng ta hãy hiểu tất cả mọi người trong xã hội đều cần máu vì vậy tất cả mọi người cùng tham gia hiến máu tình nguyện để nụ cười tiếp tục nở trên môi những người bệnh.