TRƯỜNG ĐẠI HỌC SAO ĐỎ - CƠ SỞ GIÁO DỤC ĐẠI HỌC THEO ĐỊNH HƯỚNG ỨNG DỤNG

CHẤT LƯỢNG TOÀN DIỆN - HỢP TÁC SÂU RỘNG - PHÁT TRIỂN BỀN VỮNG

Thứ tư - 02/03/2016 22:06
  •  

Sinh viên với việc rèn luyện kỹ năng sống tự lập

Tự lập là khả năng tự suy nghĩ và quyết định cho bản thân. Những năm đại học là một giai đoạn chuyển tiếp để mỗi cá nhân trở thành con người thực sự trưởng thành, các bạn sinh viên phải tự lập trong mọi mặt của đời sống. Kỹ năng sống tự lập là khả năng tự chăm sóc bản thân từ đi lại, ăn ở cho đến chi phí sinh hoạt, học phí; là sự chủ động trong việc học tập, nghiên cứu, cải thiện bản thân về mọi mặt. Cách sống tự lập giúp tăng cường sự tự tin trong việc quyết định nhiều vấn đề cho bản thân mà không cần phụ thuộc vào người khác.
Sinh viên với việc rèn luyện kỹ năng sống tự lập

Sinh viên với việc rèn luyện kỹ năng sống tự lập

         Bước chuyển tiếp lên Đại học là thời điểm đánh dấu sự trưởng thành của một thanh niên, các bạn không thể phụ thuộc vào cha mẹ, thầy cô để quyết định, nhắc nhở trong mọi việc mà cần phải biết cách quyết định và chịu trách nhiệm về hành động của bản thân.
         Ngày nay, bên cạnh một bộ phận sinh viên rất năng động, tích cực, chủ động nắm bắt cuộc sống của mình, thì không ít các bạn sinh viên sống ỷ lại,  bàng quan, thờ ơ trước mọi việc, được đến đâu hay đến đó. Dù đã là sinh viên nhưng vẫn hết sức thụ động, mơ hồ về chính việc học của mình, khả năng tự học kém, phụ thuộc vào người khác. Các bạn đi học mà giống như học cho ai khác chứ không phải cho bản thân, và rồi khi có việc gì liên quan thì cảm thấy bất ngờ, cuống cuồng đi hỏi người khác.
         Cách sống ỷ lại của một bộ phận sinh viên có thể là do quán tính từ bé cho tới những năm học phổ thông, hầu như nội dung học tập đã có thấy cô lo sẵn nên khi bước vào đại học các bạn vẫn còn tự giam hãm mình với cách học cũ. Thậm chí dù nhà trường đã tạo rất nhiều cơ hội cho các bạn tự lập, chủ động trong việc học nhưng sự nỗ lực này đã vấp phải “tính ỳ” vốn có ở sinh viên, khiến việc đổi mới phương pháp cũng gặp không ít khó khăn. Một số bạn lại do sống trong sự bảo bọc quá kỹ lưỡng của cha mẹ, dần hình thành nên tâm thế “cơm bưng nước rót” mà không chủ động tìm kiếm tri thức và hình thành kỹ năng cho mình.
         Trong 4 năm, trường Đại học không thể thay đổi một con người đã hình thành tính cách trong suốt 18 năm trước đó nhưng sẽ giúp cải thiện một phần nào tính thụ động, ỷ lại của sinh viên. Cuộc sống đại học có những khác biệt lớn, sinh viên phải tự thân vận động trong nhiều mặt từ vấn đề học tập đến hoạt động ngoại khoá, thiết lập quan hệ xã giao, đi lại, ăn ở. Kỹ năng sống tự lập sẽ giúp sinh viên thích nghi với môi trường đại học nhanh chóng hơn. Tự lập giúp sinh viên phát triển về kỹ năng sống và học vấn toàn diện hơn. Những sinh viên thành công ở đại học khi ra trường thường có tinh thần chủ động, tự lập cao.
         Vậy sinh viên cần rèn luyện cách sống tự lập như thế nào?
         Đầu tiên các bạn hãy rèn luyện những kỹ năng cơ bản nhất mà hầu hết nhiều sinh viên năm nhất còn thiếu như tự chăm sóc cho bản thân về ăn uống, đi lại, chi tiêu cho đến đi làm thêm để phụ giúp gia đình. Từ việc làm thêm ngoài giờ và quản lý tiền bạc hiệu quả, sinh viên có thể thiết lập sự tự lập trong vấn đề tài chính. Bằng cách tự lo liệu cho bản thân những bữa ăn sáng chiều, những bộ quần áo sạch sẽ, phương thức đi lại, sinh viên có thể rèn luyện tính tự lập trong lề thói hằng ngày. Những điều này tuy không là việc trọng đại nhưng đều ảnh hưởng đến nhận thức không ỷ lại, tinh thần tổ chức, trách nhiệm tự giác cao.
         Các bạn sinh viên hãy chủ động làm những việc mình cần làm mà không cần người khác nhắc nhở. Chủ động trau dồi kiến thức của mình vì bài giảng của thầy cô giới hạn về thời gian trên lớp mà chủ đề thì rộng. Thầy cô chỉ đóng vai trò tư vấn, dẫn dắt, sinh viên cần hăng hái tham gia xây dựng bài giảng; luôn đặt câu hỏi cho những kiến thức mới để có thể hiểu một cách sâu sắc và vận dụng nó vào thực tiễn chứ không chỉ học thuộc bài một cách lý thuyết để đối phó; chủ động tìm đến thư viện để đọc thêm tài liệu, học nhóm với bạn bè cùng lớp hoặc tự rèn luyện tại nhà. Các bạn hãy tập cách tự suy nghĩ và quyết định cho bản thân từ việc ngành nghề cho đến học hành.
         Trong thời đại thông tin ngày nay, việc tìm hiểu ngành nghề trở nên rất dễ dàng với hệ thống mạng internet, báo chí và sách vở cũng trở nên phổ thông với hầu hết tầng lớp giàu nghèo của xã hội. Không ai hiểu rõ mình hơn chính bản thân, các bạn cần tìm hiểu bản thân để xác định cho mình mục tiêu nghề nghiệp rõ ràng, phát huy tối đa sở trường và hoàn thiện chính mình. Chỉ bằng cách tự đào sâu tìm hiểu, quyết định sở thích và chuyên đề học vấn sinh viên mới có thể xác định được đường lối thực sự đúng đắn và phù hợp cho bản thân.

Tác giả bài viết: Giảng viên: Phạm Thị Tâm

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây