TRƯỜNG ĐẠI HỌC SAO ĐỎ - CƠ SỞ GIÁO DỤC ĐẠI HỌC THEO ĐỊNH HƯỚNG ỨNG DỤNG

CHẤT LƯỢNG TOÀN DIỆN - HỢP TÁC SÂU RỘNG - PHÁT TRIỂN BỀN VỮNG

Thứ năm - 03/08/2017 15:08
  •  

Mùa Vu Lan báo hiếu trong tâm trí người Việt

Ngày nay, khi mà kinh tế thị trường đang gây một sức ép lớn lên mọi người, thời gian trở nên eo hẹp, tâm lý trở nên nặng nề, nhiều người đã đặt cái tôi hưởng lạc và thực dụng của mình lên trên hết và hình như, có đôi lúc con người ta đã có phút sao nhãng, lãng quên quên đi cội nguồn. Mùa Vu Lan nữa lại về, nhắn nhủ chúng ta sống chậm lại và yêu thương nhiều hơn không chỉ đối với đấng sinh thành mà với cả vạn vật, cộng đồng.
Từ ngàn đời nay, đạo hiếu đã như một chất keo gắn chặt tình mẫu tử, gia đình, dòng họ và cao hơn nữa là cộng đồng, quê hương, đất nước. Ngày lễ Vu Lan trở thành ngày lễ mang nét đẹp nhân văn sâu sắc, ngày càng được bồi đắp, góp phần làm sáng đạo lý của dân tộc Việt Nam. Một lẽ giản đơn, ai sinh ra cũng có cội nguồn. Cha mẹ kính yêu cho ta hình hài và quê hương, đất nước nuôi dưỡng ta tâm hồn. Bởi vậy, cùng với nghĩa tri ân công lao, sự hy sinh sánh ngang biển trời của cha mẹ, vào dịp này, chúng ta cũng thể hiện ân tình với chúng sinh vạn vật ở bên ta, giúp cho ta cuộc sống hằng ngày hạnh phúc.
Lễ Vu Lan là một hình thức biểu hiện cụ thể của triết lý nhân sinh Phật giáo, là một liệu pháp tinh thần và có ý nghĩa giáo dục to lớn trong mọi thời đại, đặc biệt là trong thời đại ngày nay khi xã hội loài người đang phải đối mặt với sự mai một về đạo đức như chạy theo những cám dỗ vật chất bên ngoài hay lao vào những tham vọng cá nhân. Trong quá trình hình thành và tồn tại, lễ Vu Lan đã góp phần tạo ra những giá trị đạo đức truyền thống như lòng hiếu thảo, lòng nhân ái, lòng yêu nước, tính cộng đồng... Yêu nước là giá trị đạo đức hàng đầu trong hệ thống đạo đức truyền thống của dân tộc Việt Nam. Giá trị đạo đức trong lễ Vu Lan có thể nói là vĩnh hằng cùng với sự tồn tại và phát triển của dân tộc. Việc nhớ về cội nguồn, niềm tin vào tổ tiên hướng con người làm việc thiện, ngăn chặn điều ác. Từ xa xưa và trải qua thực tế cuộc sống, người Việt Nam thấy được những nét tích cực phù hợp với đạo lý truyền thống dân tộc, đáng trân trọng giữ gìn. Có thể khẳng định rằng, Vu Lan báo hiếu luôn là nét đẹp văn hoá của dân tộc và đã trở thành trách nhiệm, bổn phận của đạo làm người; một nét đẹp trong văn hoá ứng xử góp phần duy trì, củng cố đạo lý trong gia đình, dòng họ và dân tộc; trở thành một tiêu chuẩn quan trọng để đánh giá đạo đức con người. Dù xã hội có văn minh phát triển đến đâu thì nét đẹp báo hiếu luôn được đề cao và mãi trường tồn. Vì thế, các thế hệ phải sống cho xứng đáng để đền đáp nghĩa tình sâu nặng của tổ tiên, ông bà, cha mẹ cũng như của những người đã quên mình vì đất nước, vì dân tộc đem lại hoà bình, hạnh phúc, cuộc sống ấm no. Để thể hiện tấm lòng của mình không chỉ đến ngày lễ Vu Lan mới thực hiện mà phải bằng việc làm thành tâm của con cái trong cuộc sống thường nhật và điều quan trọng là luôn nhớ tới tổ tiên, cha mẹ với sự thành tâm của mỗi người, không phải là trách nhiệm về của cải, vật chất.
Sự biết ơn và tôn kính chân thành đối với cha mẹ là những điểm xuất phát của lòng hiếu thảo. Biết ơn cha mẹ vì ta có ở trên thế gian này là do cha mẹ, nhờ cha mẹ mà trưởng thành vì cha mẹ là nơi nương tựa vững chắc bình an nhất. Trong gia đình cần phụng dưỡng chăm sóc cha mẹ lúc tuổi già; sống hướng thiện, tưởng nhớ công ơn của tổ tiên; cầu an lạc cho cha mẹ hiện còn..
 Là một trong những hoạt động văn hoá truyền thống, Vu Lan là dịp ưu tiên làm những việc thiện, việc đền ơn đáp nghĩa hoặc báo hiếu các bậc sinh thành. Vào ngày này, mỗi gia đình thường làm một lễ cúng tạ ơn các thần linh và tưởng nhớ tới ông bà tổ tiên, dành trọn tình thương yêu cho những người yêu quý, cháu con có dịp bày tỏ lòng báo hiếu, tri ân đối với tổ tiên, ông bà, cha mẹ, những người thân đã khuất. Với tâm thành và tỉnh giác, mỗi người con sẽ làm nơi nương tựa tâm linh cho các bậc sinh thành của mình. Gieo duyên nơi cửa Phật cho cha mẹ mình bằng tuệ giác, đó là con đường báo hiếu chân chính của những người con muốn giúp mẹ cha vượt thoát nẻo sinh tử luân hồi, tìm về tỉnh giác, an vui.
 Đối với đất nước, cần góp phần vào các hoạt động chăm sóc thương binh, gia đình liệt sỹ, gia đình có công với cách mạng, những người cao tuổi có hoàn cảnh khó khăn, những người khuyết tật và tham gia các lễ cầu siêu, tưởng niệm các anh hùng liệt sĩ đã xả thân vì độc lập, tự do của Tổ quốc và vì hạnh phúc của chính chúng ta ngày nay, thể hiện đạo lý “uống nước nhớ nguồn” của dân tộc ta. Vào ngày này, nến được thắp sáng rực trên khắp các nghĩa trang liệt sĩ bởi các chiến sĩ bộ đội, công an; nhiều nhà Phật tổ chức cầu siêu thể hiện sự thương cảm đối với những người đã khuất trong mọi hoàn cảnh, nhiều khóa tu về triết lý sống cho các em học sinh được tổ chức, nhiều vạn vật được phóng sinh,…Xét theo khía cạnh nào đó là sự tín ngưỡng của con người nhưng tất cả đều nhằm hướng con người ta tới chân lý cao cả.
Một mùa Vu lan nữa lại về trong tiết trời thu, một dịp đặc biệt để tìm về cội nguồn yêu thương, mỗi người có thể chọn cho mình một cách nào đó để thể hiện, và hướng về ngày này với ý nghĩa nhân bản là cách để chúng ta tri ân cuộc sống tươi đẹp này.

Tác giả bài viết: Phạm Thị Hường

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây