TRƯỜNG ĐẠI HỌC SAO ĐỎ - CƠ SỞ GIÁO DỤC ĐẠI HỌC THEO ĐỊNH HƯỚNG ỨNG DỤNG

CHẤT LƯỢNG TOÀN DIỆN - HỢP TÁC SÂU RỘNG - PHÁT TRIỂN BỀN VỮNG

Thứ sáu - 09/02/2018 14:57
  •  

Hướng tới ngày thầy thuốc Việt Nam và vai trò công tác bảo vệ, chăm sóc sức khỏe nhân dân

Chủ tịch Hồ Chí Minh đã dạy: "Lương y phải như từ mẫu". Y đức là phẩm chất tốt đẹp của người làm công tác y tế, được biểu hiện ở tinh thần trách nhiệm cao, tận tụy phục vụ, hết lòng thương yêu chǎm sóc người bệnh, coi họ đau đớn như mình đau đớn.
 Nghị quyết số 20-NQ/TW về tăng cường công tác bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân trong tình hình mới ban hành tại Hội nghị lần thứ 6 Ban chấp hành Trung ương khóa XII cũng xác định: Sức khỏe là vốn quý nhất của mỗi người dân và của cả xã hội. Bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khoẻ là nghĩa vụ, trách nhiệm của mỗi người dân, của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội, đòi hỏi sự tham gia tích cực của các cấp ủy, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể, các ngành, trong đó ngành Y tế là nòng cốt.
Sinh thời Chủ tịch Hồ Chí Minh đã có mối quan tâm rất lớn đến việc "xây dựng nền y học Việt Nam", Người xem những lời giáo huấn của các bậc tiền bối về y đức là bài học quý để căn dặn các thế hệ thầy thuốc đời sau học tập và noi theo, vì vậy trong cuộc đời hoạt động cách mạng và cả hệ thống tư tưởng cách mạng của mình, việc xây dựng nền y học Việt Nam vững mạnh, trong đó việc xây dựng người thầy thuốc Việt Nam mẫu mực được Người đặc biệt quan tâm. Trong không khí cả nước kỷ niệm 63 năm ngày Thầy thuốc Việt Nam (27/02/1955 – 27/02/2018) chúng ta cùng đi tìm hiểu về lịch sử và ý nghĩa của ngày này.
Cách đây 63 năm, ngày 27/2/1955,  nhân dịp tổ chức hội nghị cán bộ y tế, Bác Hồ đã gửi thư cho Hội nghị căn dặn: 'Lương y phải như từ mẫu', phải thật thà đoàn kết, khắc phục khó khǎn, học tập vươn lên để hoàn thành nhiệm vụ, toàn tâm toàn ý xây dựng nền Y học Việt Nam. Y đức phải thể hiện qua những tiêu chuẩn, nguyên tắc đạo đức được xã hội thừa nhận.
Năm 1964, trong hội nghị chính trị đặc biệt họp tại Hà Nội, khi thấy giáo sư Nguyễn Xuân Nguyên, cố Viện trưởng Viện mắt, Bác liền hỏi "Chú Nguyên, chú chữa mắt, chú có biết vì sao về các làng xóm vẫn thấy các cháu còn toét mắt"?. Và trong lúc giáo sư đang tìm câu trả lời thì Bác đã nói: "Các cô, các chú chưa chú ý tuyên truyền phòng bệnh trong nhân dân. Phải đẩy mạnh công tác tuyên truyền phòng các bệnh mắt sâu rộng hơn nữa". Mùa xuân năm 1946, Bác còn nhắc nhở cán bộ y tế: "Đừng có ngại khó, ngại khổ. Phải lao mình vào chỗ bẩn để làm cho sạch; phải dấn thân vào chỗ đau khổ để làm giảm bớt đau khổ. Lương y phải như từ mẫu, phải dịu dàng, khiêm tốn, thương yêu đồng bào, không được hách dịch ban ơn..."
Lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh đã trở thành phương châm hành động của các thế hệ thầy thuốc nước ta. Trong nhiều thập niên, ngành y tế Việt Nam đã không ngừng phát triển và trưởng thành về mọi mặt, từ tổ chức mạng lưới đến chất lượng trong công tác phòng và chữa bệnh, bảo vệ sức khoẻ nhân dân.
Ngày 6/2/1985, Hội đồng Bộ trưởng đã đưa ra quyết định ngày 27/2 hằng năm là "Ngày thầy thuốc Việt Nam" để ghi nhận sự cống hiến to lớn và bày tỏ sự biết ơn đội ngũ thầy thuốc, nhằm nêu cao trách nhiệm và tài trí của người cán bộ y tế trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Dưới sự lãnh đạo của Đảng, công tác bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân đã đạt được những kết quả to lớn, góp phần quan trọng vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Mạng lưới cơ sở y tế phát triển rộng khắp. Đội ngũ thầy thuốc và cán bộ, nhân viên y tế phát triển cả về số lượng và chất lượng. Ngân sách nhà nước và nguồn lực xã hội đầu tư cho bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân ngày càng tăng. Chính sách tài chính y tế có nhiều đổi mới; diện bao phủ bảo hiểm y tế ngày càng được mở rộng. Tỉ lệ chi tiền túi của hộ gia đình cho khám, chữa bệnh giảm nhanh. Ứng dụng công nghệ thông tin từng bước được đẩy mạnh. Y tế dự phòng được tăng cường, đã ngăn chặn được các bệnh dịch nguy hiểm, không để xảy ra dịch lớn. Các yếu tố ảnh hưởng tới sức khỏe như môi trường, thực phẩm, rèn luyện thân thể, đời sống tinh thần… được quan tâm hơn…
tthuoc
tthuoc1
 
tthuoc4
Lãnh đạo nhà trường, tổ chức công đoàn và các Khoa luôn quan tâm động viên các thầy thuốc đồng nghiệp.
Tuy nhiên, công tác bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân vẫn còn nhiều hạn chế, bất cập. Do tác động mặt trái của cơ chế thị trường, cạnh tranh thiếu bình đẳng; còn có sự chênh lệch lớn về thu nhập giữa các cơ sở y tế công lập với tư nhân, giữa các bộ phận trong cùng cơ sở. Công tác giáo dục y đức ở nhiều nơi bị buông lỏng. Chất lượng môi trường sống, làm việc, chế độ dinh dưỡng, rèn luyện thân thể, văn hoá tinh thần... ở nhiều nơi chưa được chú trọng, bảo đảm. Nhiều hành vi, thói quen ảnh hưởng xấu tới sức khỏe chưa được khắc phục căn bản.
Thấy được những yếu kém, bất cập trên, Nghị quyết 20-NQ/TW của Hội nghị 6 BCH TW khóa XII đã xác định mục tiêu tổng quát: “Nâng cao sức khỏe cả về thể chất và tinh thần, tầm vóc, tuổi thọ, chất lượng cuộc sống của người Việt Nam. Xây dựng hệ thống y tế công bằng, chất lượng, hiệu quả và hội nhập quốc tế. Phát triển nền y học khoa học, dân tộc và đại chúng. Bảo đảm mọi người dân đều được quản lý, chăm sóc sức khỏe. Xây dựng đội ngũ cán bộ y tế "Thầy thuốc phải như mẹ hiền", có năng lực chuyên môn vững vàng, tiếp cận trình độ quốc tế. Nâng cao năng lực cạnh tranh trong chuỗi sản xuất, cung ứng dược phẩm, dịch vụ y tế”.
Bên cạnh đó, Nghị quyết đã xác định 9 nhiệm vụ và giải pháp để thực hiện mục tiêu đề ra: Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng, quản lý của Nhà nước, phát huy sự tham gia của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các đoàn thể chính trị - xã hội và của toàn xã hội trong bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân; Nâng cao sức khỏe nhân dân; Nâng cao năng lực phòng, chống dịch bệnh gắn với đổi mới y tế cơ sở; Nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh, khắc phục căn bản tình trạng quá tải bệnh viện; Đẩy mạnh phát triển ngành Dược và thiết bị y tế; Phát triển nhân lực và khoa học - công nghệ y tế; Đổi mới hệ thống quản lý và cung cấp dịch vụ y tế; Đổi mới mạnh mẽ tài chính y tế; Chủ động, tích cực hội nhập và nâng cao hiệu quả hợp tác quốc tế.
Trong cuộc sống này, không có gì quan trọng cho bạn bằng chính con người bạn, một thân thể không bệnh tật, một tâm hồn không loạn đó là chân hạnh phúc của con người. Có câu nói: “Người có sức khỏe có một trăm ước muốn, người không có sức khỏe chỉ có 1 ước muốn duy nhất: đó là sức khỏe”. Quả đúng như vậy, bệnh tật không trừ một ai bất kể bạn là người giàu hay người nghèo, người có địa vị cao hay thấp. Nếu bạn may mắn được sở hữu một sức khỏe tốt thì đồng nghĩa với việc bạn đang cận kề với thành công về mọi lĩnh vực. Vì vậy, chăm sóc sức khoẻ cho nhân dân là một trong những công việc hết sức to lớn, quan trọng mang lợi ích chung và lâu dài cho mỗi cá nhân và cho toàn bộ xã hội.

Tác giả bài viết: GV.Phạm Thị Tâm

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây